Đà tăng còn mạnh
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá vàng miếng SJC bán ra 73,5 triệu đồng/lượng, mua vào 72,5 triệu đồng/lượng. So với đầu ngày, công ty đã tăng giá vàng từ 600.000 - 800.000 đồng/lượng, trong đó giá bán tăng nhanh hơn so với mua vào. Tập đoàn Doji mua vào 72,3 triệu đồng, bán ra 73,5 triệu đồng; Phú Quý SJC bán ra ở mức 73,5 triệu đồng nhưng mua vào chỉ ở mức 72,65 triệu đồng…
Giá vàng liên tục biến động trong phiên hôm nay. Từ sáng tới chiều, giá liên tục thay đổi. Tính đến cuối ngày 28/11, giá vàng miếng SJC tại các doanh nghiệp đã tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng so với phiên sáng, chỉ cách vài trăm nghìn đồng so với đỉnh cũ 74,4 triệu đồng lập được tháng 3/2022.
Trên thế giới, đây là tuần thứ ba giá kim loại quý liên tiếp đi lên, do đồng USD suy yếu. Hiện giá vàng đang được hỗ trợ bởi thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ và có thể chuyển sang chu kỳ nới lỏng vào năm sau. Chỉ số USD Index hiện về mức thấp nhất hai tháng, giao dịch quanh 103,1 điểm.
Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine kéo dài thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và gần đây là xung đột giữa Israel với Hamas - dù đã có lệnh ngừng chiến nhưng chưa rõ ràng. Khi tình hình địa chính trị căng thẳng sẽ ảnh hưởng kinh tế thế giới, giá dầu và trong bối cảnh này một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng. Vàng thường là nơi trú ẩn an toàn khi địa chính trị ở một số quốc gia bấp bênh.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương tiếp tục thúc đẩy nhu cầu khi đã mua kỷ lục 1.136 tấn vàng vào năm ngoái và 800 tấn trong 3 quý năm 2023. Hoạt động mua vàng được dẫn đầu bởi các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu vàng sẽ vẫn mạnh trong thời gian còn lại của năm. Đây là mùa mua vàng mạnh mẽ. Chúng ta có mùa cưới ở Ấn Độ, Giáng sinh và năm mới của Trung Quốc, vì vậy có lẽ điều đó đã mang lại niềm tin cho những nhà đầu tư.
Vàng cũng có thể đóng một vai trò lớn hơn vào năm 2024 khi các nhà đầu tư nói chung phòng ngừa rủi ro kinh tế vĩ mô và địa chính trị.
Các nhà phân tích cho biết, giá vàng có thể tiến gần mức cao nhất mọi thời đại 2.075 USD/ounce vào cuối năm 2023. Về dài hạn, ING dự báo, vàng sẽ vẫn ở mức cao kỷ lục vào năm 2024, trung bình khoảng 2.100 USD/ounce trong quý IV, cao hơn mức cao kỷ lục trước đó.
Kiến nghị tăng cung, rút ngắn khoảng cách với giá thế giới
Giá vàng trong nước diễn biến đồng thuận với thế giới, song đà tăng trong nước mạnh hơn. Giá vàng quốc tế giao ngay hiện lên 2.015 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank (chưa thuế, phí) tương đương 59,3 triệu đồng một lượng. Như vậy, giá vàng SJC đắt hơn vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao hơn 2,4 triệu đồng/lượng.
Phản ứng với diễn biến mới, trên các diễn đàn về vàng, nhiều nhà đầu tư do dự giá vàng ở vùng đỉnh này rất ít người dám mua vào vì sợ rủi ro đảo chiều bất cứ khi nào. Ở chiều ngược lại, áp lực chốt lời đang khá lớn. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng nhẫn tăng lên 1,2 triệu đồng/lượng thay vì 1 - 1,1 triệu đồng/lượng. Dù vậy, giới đầu tư vẫn kỳ vọng, với đà tăng mạnh như hiện nay, giá vàng sẽ sớm cán mốc 74,4 triệu đồng lượng.
TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho hay, rất khó để có thể dự báo giá vàng lên hay xuống thời gian tới. Thị trường vàng là thị trường biến động khôn lường, chịu tác động bởi nhiều vấn đề, sự kiện. Tuy nhiên, giá vàng trong nước sẽ tăng tiếp khi nhu cầu về vàng, nhất là vàng trang sức tăng ở thời điểm trước và trong Tết. Giá vàng “đẩy” lên mức giá bao nhiêu khá khó đoán định, nhưng có khả năng tăng lên mức 74 triệu đồng/lượng” - ông Hiếu nhận định.
Trong bối cảnh giá vàng nhẫn liên tục tăng cao, vừa qua, một số doanh nghiệp lớn đã tiếp tục kiến nghị NHNN cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, vàng nhẫn, tăng cung cho thị trường.
Ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc để giá vàng tăng quá cao so với thế giới, nhất là vàng nhẫn, vàng trang sức sẽ kích thích buôn lậu vàng qua biên giới.
TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, để giá vàng không tăng quá sốc, Việt Nam cần sửa cơ chế quản lý vàng, tránh “một mình một chợ” để thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới.
Quan trọng hơn là khi giá vàng trong nước quá cao so với giá thế giới, người dân sẽ bị thiệt vì đây là một tài sản cất giữ có giá trị, một trong những kênh đầu tư, kênh trú ẩn an toàn nên nhu cầu nắm giữ vàng với giá liên thông thế giới là điều chính đáng.