Tăng giá suất ăn trên máy bay: Độc quyền và áp đặt

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá nhượng quyền khai thác cung cấp thức ăn hàng không sẽ tăng lên mức từ 75.000 - 100.000 đồng/suất cho mỗi chuyến bay là một trong những nội dung trong dự thảo Thông tư Quy định khung giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không do Bộ GTVT vừa trình Chính phủ.

Tăng giá dựa trên doanh thu thực tế của doanh nghiệp?
Trong dự thảo Thông tư nói trên, Bộ GTVT còn quy định khung giá nhượng quyền khai thác nhiều loại hình dịch vụ hàng không như tỷ lệ nhượng quyền khai thác ga hành khách quốc tế từ 3,5 - 7%; khai nhượng quyền khai thác nhà ga, kho hàng hóa và phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất từ 1,5 - 2%; nhượng quyền khai thác cung cấp xăng dầu hàng không từ 1,2 - 1,5USD/tấn… Đặc biệt là việc nhượng quyền khai thác cung cấp thức ăn hàng không, Bộ GTVT quy định mức giá tối thiểu là 75.000 đồng/suất/chuyến bay và mức giá tối đa là 100.000 đồng/suất/chuyến bay, tăng thêm 32% so với hiện tại, chưa bao gồm thuế VAT.

Giá suất ăn trên máy bay sẽ tăng lên mức 75.000 - 100.000 đồng theo đề xuất của Bộ GTVT.

Theo lý giải của Bộ GTVT, các mức giá nhượng quyền sẽ theo tỷ lệ phần trăm được tính trên doanh thu thực tế (chưa bao gồm thuế VAT) thu được của tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ tương ứng. Bộ GTVT cũng cho biết, các chuyến bay không sử dụng dịch vụ suất ăn hàng không từ các DN được nhượng quyền và các tổ chức sẽ không nằm trong danh mục tính giá nhượng quyền khai thác dịch vụ hàng không quy định trong thông tư.

Hiện nay, trong 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air, chỉ có Vietjet Air tự cung cấp từ một công ty suất ăn ở bên ngoài. Hai hãng còn lại đều do Công ty CP Suất ăn Nội Bài (NCS) độc quyền cung cấp tại Nội Bài. Trong đó Vietnam Airlines là cổ đông lớn của NCS khi nắm giữ 60% vốn điều lệ của DN này.

Điều chỉnh giá phải tính trên phạm vi xã hội

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư khẳng định, mức tăng giá suất ăn trên máy bay mà Bộ GTVT quy định trong dự thảo Thông tư như vậy là không hợp lý. “Nếu tăng giá tới hơn 30% là quá cao bởi trong 3 – 4 năm nay, mức lạm phát ở nước ta thấp” - GS Võ Đại Lược nói, đồng thời cho rằng, mức giá nhượng quyền sẽ theo tỷ lệ phần trăm tính trên doanh thu thực tế của DN cung cấp suất ăn trên máy bay là phi lí. “Không thể chỉ dựa vào doanh thu của DN để đưa ra mức tăng giá như thế được. Doanh thu đó chỉ là một tiêu chí, còn muốn điều chỉnh giá phải tính trên phạm vi xã hội. Không nên định giá một cách độc quyền, áp đặt như thế” - GS Võ Đại Lược khẳng định.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế T.Ư, đúng ra Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam phải tổ chức đấu thầu công khai việc cung cấp suất ăn trên máy bay, chứ không nên chỉ định một đơn vị độc quyền như hiện nay. Có rất nhiều DN sẵn sàng tham gia đấu thầu để cung cấp suất ăn trên máy bay. Nếu làm được như thế thì giá cả sẽ cạnh tranh, DN có lợi mà hành khách đi máy bay cũng được hưởng lợi.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, mức tăng giá suất ăn trên máy bay của Bộ GTVT dự thảo là “cao đột ngột” và cần phải giải thích rõ ràng. “Phải giải thích rõ lý do tại sao tăng, minh bạch để người dân biết, do giá lương thực, thực phẩm tăng hay do giá nhân công tăng” - ông Phú nói. Theo ông Phú, Bộ GTVT phải vì quyền lợi của người tiêu dùng là hành khách đi máy bay. Bởi việc tăng giá sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong khi bản thân họ gần như không có quyền lựa chọn. Do đó, Bộ GTVT cần phải xem xét lại dự thảo thông tư này.

Thật ra khi khách hàng phải chi vài triệu đồng để đi máy bay thì việc bỏ thêm vài chục đến trăm ngàn cho bữa ăn cũng không nhiều người đắn đo lắm. Nhưng cái quan trọng là, tăng giá suất ăn có đi đôi với chất lượng đồ ăn hay không? Những lần dùng suất ăn trên máy bay, tôi thấy chất lượng hiện nay còn thấp lắm, món ăn cũng đơn điệu, thiếu phong phú và chưa hợp với khẩu vị của nhiều người.

Ông Bùi Danh Liên 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần