Việc tăng giá vé sau gần 10 năm giữ nguyên là hợp lý, nhưng đi kèm với đó, chất lượng dịch vụ của xe buýt phải nâng cao hơn nữa mới giữ chân được hành khách.
Phù hợp khả năng chi tiêu của người dân
Hà Nội hiện có 132 tuyến xe buýt được trợ giá với 2.034 phương tiện hoạt động; 9 tháng qua đã vận chuyển gần 350 triệu lượt hành khách. Chi phí trợ giá cho xe buýt giai đoạn 2015 - 2019 trung bình 1.371,80 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020 - 2022 trung bình 2.230,49 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2022, TP đã chi ra tới 2.991,42 tỷ đồng trợ giá xe buýt; dự kiến cả năm 2023 con số này sẽ đạt 2.754,15 tỷ đồng.
Xe buýt là loại hình VTHKCC không đặt mục tiêu lợi nhuận, nên mới có chính sách hỗ trợ giá vé nhằm tác động để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cụ thể hỗ trợ 50% vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, DN ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể. Hà Nội cũng đã áp dụng chính sách miễn tiền vé xe buýt cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo.
Có thể thấy, với giá vé rẻ, xe buýt đã thu hút đông đảo người dân sử dụng. Nhưng đi kèm với đó là gánh nặng rất lớn đối với ngân sách; khó khăn cho DN và nhất là người lao động trên các tuyến buýt.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết giá vé đang áp dụng cho xe buýt có trợ giá đã được ban hành từ năm 2014. Đến nay sau gần 10 năm, mọi chi phí đầu vào của xe buýt như: nhiên liệu, nhân công, phương tiện… đều đã tăng mạnh, đơn giá trung bình cho mỗi cây số vận hành của xe buýt đã tăng gần 47%. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cũng đã tăng 75%.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ: “Chi phí cho đi lại bằng phương tiện VTHKCC nên ở mức dưới 10% trên tổng thu nhập của người dân, như vậy sẽ đủ hấp dẫn. Tỷ lệ này ở xe buýt Hà Nội khá thấp, mới chỉ đạt từ 1 - 5%, có cơ sở để tăng thêm nữa mà vẫn phù hợp với khả năng chi tiêu của người dân”. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng nhận định, việc xây dựng khung giá vé xe buýt hiện nay chưa hợp lý, tuyến dài cũng tương đương tuyến ngắn dù chi phí cao hơn. Mặt khác doanh thu và lợi nhuận xe buýt quá thấp cũng khó thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực VTHKCC.
Bằng chứng là TP mới chỉ có 11 đơn vị tham gia khai thác các tuyến buýt có trợ giá. Muốn mở rộng thêm mạng lưới, chuyển đổi sang phương tiện “xanh”, hiện đại như xe buýt điện trong tương lai gần là vô cùng khó khăn do thiếu vốn, thiếu nhà đầu tư.
Thông tin về tăng giá vé xe buýt phải được tuyên truyền rộng rãi, đầy đủ đến người dân ngay từ những khâu đầu tiên như nghiên cứu, xây dựng khung chính sách, đề xuất… Mặt khác, tăng giá vé xe buýt phải đi kèm với chất lượng dịch vụ được nâng cao mới thuyết phục được người dân ủng hộ.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung
Ai được hưởng phần tăng thêm?
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nhận định, doanh thu từ xe buýt trợ giá sau khi thực hiện phương án cơ cấu lại, và điều chỉnh giá vé có thể tăng thêm 302,3 tỷ đồng. Quan trọng nhất là phương án giá vé xe buýt mới được đưa ra, nếu áp dụng vào thực tế sẽ tác động không lớn đến hành khách, vẫn đảm bảo nhóm người thu nhập thấp có thể tham gia VTHKCC bằng xe buýt; giữ vững lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác; đảm bảo phù hợp và công bằng cho hành khách giữa các tuyến ngắn và dài.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá vé xe buýt ở mức từ 1.000 đồng/lượt đến vài chục nghìn đồng/tháng đối với mỗi cá nhân sẽ không có tác động lớn. Nhưng doanh thu tăng thêm từ đó sẽ là nguồn lực rất đáng kể với mạng lưới xe buýt. Vấn đề là phần doanh thu tăng thêm đó sẽ được sử dụng như thế nào, có mang lại hiệu quả thiết thực hay không (?).
TS Đặng Minh Tân cho rằng, các DN nên dành phần doanh thu tăng thêm để đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt. “Doanh thu từ bán vé tăng lên DN sẽ được hưởng, nhưng bù lại TP cần yêu cầu họ đổi mới phương tiện, nâng cấp nhà chờ, điểm dừng, thêm tiện ích cho hành khách”.
Trong khi đó người dân lại mong muốn doanh thu tăng thêm được sử dụng để tái đầu tư vào người lao động trên các tuyến buýt. Ông Lê Hữu Công (phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi thấy quan trọng nhất là chất lượng phục vụ. Lái phụ xe buýt phải được trả lương cao, đãi ngộ tốt hơn nữa họ mới thực sự yêu nghề, mới phục vụ Nhân dân được tốt. Lương 5 - 6 triệu/tháng mà muốn họ vượt qua áp lực “làm dâu trăm họ” là bất khả thi. Tăng giá vé phải tăng lương, thưởng cho công nhân trên các tuyến buýt trước”.
Cũng có ý kiến cho rằng tăng giá vé sẽ giúp tăng doanh thu xe buýt, và tất yếu phải giảm trợ giá từ ngân sách. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này, khi VTHKCC bằng xe buýt còn rất nhiều khó khăn, nên tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư chứ không phải thêm chỗ này thì bớt chỗ kia.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích: “Giả sử như tăng giá vé thu thêm được hơn 300 tỷ đồng, TP nên giảm trợ giá 300 tỷ đồng cho DN, hỗ trợ nâng cấp hạ tầng cho xe buýt. Ví dụ như đầu tư làn đường riêng để xe buýt đảm bảo chạy nhanh, đúng giờ; hay làm nhà chờ có mái che…”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Hà Nội cần xây dựng chính sách giá vé đa dạng, linh hoạt, phù hợp với thực tế để vừa giảm gánh nặng cho ngân sách, vừa hấp dẫn nhà đầu tư, vừa có điều kiện để nâng cao chất lượng xe buýt.
Theo phương án do Sở GTVT Hà Nội đề xuất, sẽ có 5 khung giá vé lượt xe buýt: dưới 15km là 8.000 đồng/hành khách/lượt; từ 15 - 25km: 10.000 đồng/hành khách/lượt; từ 25 - 30km: 12.000 đồng/hành khách/lượt; 30 - 40km: 15.000 đồng/hành khách/lượt; 40km trở lên 20.000 đồng/hành khách/lượt.
Vé tháng ưu tiên học sinh, sinh viên, công nhân khu công nghiệp là 70.000 đồng/tuyến; 140.000 đồng/liên tuyến. Vé không ưu tiên mua theo tập thể là 100.000 đồng/tuyến; 200.000 đồng/liên tuyến. Vé không ưu tiên mua theo cá nhân là 140.000 đồng/tuyến; 280.000 đồng/liên tuyến.