Tăng ca để hài hòa mối quan hệ
Bộ LĐTB&XH đang có một số điều chỉnh dự kiến liên quan đến giờ làm thêm, trong đó đáng chú ý nhất là tổng số giờ làm thêm của NLĐ được tăng lên tới 600 giờ/năm, thay vì 300 giờ đang áp dụng.
Theo giải thích của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, có rất nhiều ý kiến đề nghị tăng thời giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của đa số DN, cũng như một bộ phận không nhỏ người lao động (NLĐ) có nguyện vọng làm thêm để tăng thu nhập. Đồng thời tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực. Bà Bùi Thị Hảo – Vụ Pháp chế, Bộ LĐTB&XH cho rằng, mục đích sửa đổi giờ làm thêm lần này cũng giống các năm trước là bảo đảm mối quan hệ lao động hài hòa để DN có thể phát triển được. Nếu DN không có hợp đồng đồng nghĩa với NLĐ thiếu việc làm. Việc tăng giờ làm thêm đáp ứng nhu cầu của các DN làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản. Đồng tình với ý kiến này, bà Thạch Bích Hợp – Trưởng phòng Văn phòng giới chủ, VCCI cho biết: Làm thêm giờ là nhu cầu tất yếu của DN. Đã có DN nói, nếu không sửa thì họ vẫn vi phạm quy định giờ làm thêm.
Tuy nhiên, nhiều người lao động (NLĐ) phản ứng dữ dội bởi quy định hiện hành làm thêm 300 giờ/năm đã khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều, trong khi thu nhập từ tăng ca chẳng được bao nhiêu sau khi đã trừ các chi phí phát sinh. Thậm chí, các điều kiện sống tối thiểu cũng không được bảo đảm. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐ) đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt, công đoàn cơ sở ở Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh về nhiều nội dung, trong đó có hai phương án đề xuất giờ làm thêm của Bộ LĐTB&XH. “TLĐ không nhất trí với hai phương án đề xuất của Bộ LĐTB&XH. Đồng thời đề nghị bỏ giới hạn làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một tháng vì ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của NLĐ” - bà Vũ Lệ Thanh – Phó Trưởng phòng Pháp luật, Ban Quan hệ lao động, TLĐLĐ nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục an toàn lao động, Bộ LĐTB&XH Bùi Đức Nhưỡng cho biết, từ năm 1994 đến 2012 đã có quy định về giờ làm thêm được nhiều người đồng tình. Thực tế, so với quy định của thế giới, mức giờ làm thêm của Việt Nam đưa ra là phù hợp.
Ảnh hưởng sức khỏe
Nhiều NLĐ đưa lý do làm thêm giờ là vì thu nhập không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của bản thân và gia đình, nhất là những người ở độ tuổi 25 trở lên. Đây là kết quả thực hiện khảo sát định tính và online đối với công nhân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước từ năm 2012 đến nay của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) phối hợp với các đối tác. 72% NLĐ được khảo sát cho hay, làm thêm giờ ảnh hưởng đến sức khỏe. Phổ biến nhất là tình trạng mệt mỏi, mất sức do tính chất công việc thường xuyên phải ngồi hoặc đứng trong quá trình làm việc, sau đó là tiếp tục làm thêm giờ. Đã có nhiều trường hợp ngất xỉu trong giờ làm thêm, xảy ra đối với cả lao động nam chưa lập gia đình. “Có thời gian tôi tăng ca đến 20 giờ, làm trong vòng nửa tháng. Do về muộn, tắm khuya, người bị choáng, mệt. Nhiều lúc không ăn uống, kéo dài 10 ngày thì sức khỏe đuối. Tôi cũng đã có lần nhập Viện 175 trong một tuần, bác sĩ kết luận mất sức suy nhược. Khi xuất viện về, lại tiếp tục bị bắt làm tăng ca” – một NLĐ nhập cư làm việc tại khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Nhóm công nhân làm thêm 30 giờ/tháng luôn trong tình trạng mệt mỏi và mất sức. Làm thêm giờ nhiều còn dẫn đến mắc các bệnh liên quan đến nghề nghiệp như đau lưng, đau đầu, đau vai, đau tay, mỏi mắt, đau dạ dày, sỏi thận, giảm cân nghiêm trọng, tai nạn lao động, căng thẳng, áp lực tâm lý. Tình trạng NLĐ bị giảm 4 cân sau một đợt làm thêm không phải cá biệt.
Hơn thế, làm thêm giờ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình của công nhân. Có tới 46% NLĐ thiếu thời gian chăm sóc, dạy dỗ, đưa con đi chơi; 22% không có thời gian giải trí cũng như giao lưu, đọc tin tức. Nhiều NLĐ phải trả tiền thuê người đón, trông con lớn hơn hoặc bằng với thù lao làm thêm giờ. Để làm thêm giờ và tiết kiệm tiền, nhiều người chấp nhận gửi con về quê với ông bà, dẫn đến mối quan hệ cha mẹ và con trở nên lỏng lẻo và dần mờ nhạt. Đặc biệt, việc tăng ca triền miên ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ vợ chồng bởi những xung đột ngày càng thường xuyên xảy ra.
Tăng ca – giảm năng suất
Tăng thời gian làm thêm nhưng năng suất lao động kém, hàng bị hư lỗi nhiều hơn là thông tin được nhiều NLĐ cho biết khi thực hiện khảo sát. Vì thế, giữ nguyên quy định về số giờ làm thêm dưới 30 tiếng/tháng là mong muốn của NLĐ. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ 64,7% NLĐ được khảo sát chọn phương án giữ nguyên quy định về số giờ làm thêm như hiện nay. Khảo sát thực địa của Trung tâm CDI cũng cho thấy quy định giờ làm thêm hiện nay là hợp lý bởi NLĐ cần thời gian chăm sóc gia đình, con cái và dành cho cuộc sống xã hội.
Bà Nguyễn Thu Ba – Bộ môn Luật Lao động, ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, Bộ LĐTB&XH đưa ra khung làm thêm lên tới 600 giờ là cao. Nhà nước nên tham khảo số giờ này dựa trên quy định của các nước và xem xét điều kiện về sức khỏe của NLĐ Việt Nam . Ngoài ra là các yếu tố về thực phẩm, môi trường, chăm sóc con cái. “Không phải cứ DN vi phạm giờ làm thêm thì hợp thức hóa. Chúng ta cần đưa ra khung hợp lý nhất tăng giờ làm thêm ở mức độ nào và điều kiện để NLĐ làm việc hiệu quả” – bà Ba nhấn mạnh.
Phía Trung tâm CDI lại kiến nghị giữ nguyên quy định hiện hành về giới hạn thời gian làm thêm hiện nay không quá 300 giờ/năm. Giờ làm thêm phải là một nội dung bắt buộc trong thương lượng tập thể. Bộ LĐTB&XH cần có những phân tích, kết luận chuyên môn về khả năng làm thêm giờ và duy trì sức khỏe của NLĐ Việt Nam trong điều kiện hiện nay.
Hai phương án đề xuất tăng số giờ làm thêm Khoản 2, điểm b, Điều 106 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động quy định hai phương án giờ làm thêm. Phương án 1: Đảm bảo số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của NLĐ không được vượt quá 600 giờ trong một năm. Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. |