>>> Thu hút hơn 214 tỷ USD vốn FDI
Đó là những ý kiến đưa ra tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài (sáng 27/3) tại Hà Nội.
Sức ép thay đổi
Theo số liệu tổng hợp mới nhất, cả nước có 14.095 dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với tổng vốn thực hiện giải ngân đạt 97,4 tỷ USD, chiếm 47% vốn đăng ký. Tỷ trọng đóng góp của khu vực ĐTNN trong GDP tăng dần, từ 2% GDP (1992) lên 12,7% (2000), 16,98% (2006) và 18,97% (2011).
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Thu thừa nhận, những hạn chế đáng kể của FDI sau 25 năm như: Hiệu quả tổng thể nguồn vốn FDI chưa cao hay chuyển giao công nghệ chưa được như kỳ vọng, quy mô bình quân dự án nhỏ, tỷ lệ giải ngân thấp; đời sống người lao động trong khu vực này chưa cao, tranh chấp và đình công có xu hướng gia tăng, có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế… Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành (tháng 12/1987), hơn 214,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 tỷ USD vốn FDI chưa được giải ngân. Số dự án xin giãn tiến độ, chậm triển khai lên tới con số 1.000 (tính tới năm 2012), gây lãng phí nguồn lực đất đai và bức xúc trong xã hội.
Lắp ráp sản phẩm điện thoại tại Công ty Samsung Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt cho vấn đề này. Điều đó được thể hiện qua việc kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, hệ thống luật pháp, chính sách và thủ tục đầu tư chưa đồng bộ, chưa thực sự minh bạch, công tác quản lý Nhà nước về FDI còn nhiều bất cập, chồng chéo. "Chuẩn bị chưa tốt dẫn đến giảm khả năng hấp thụ cũng như hiệu quả của ĐTNN ", ông Mại nhấn mạnh.
Cần tạo bước chuyển mạnh để thu hút các dự án FDI từ bị động ngồi chờ sang chủ động tìm kiếm. Việt Nam nên chọn 4 dòng đầu tư như: Dự án chất lượng cao, quy mô lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia; quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng và chuyển dần thu hút FDI với lợi thế nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao... TS Trần Du Lịch Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh |
Ở một góc độc khác, các nhà ĐTNN phản ánh, chính sách chưa ổn định, thủ tục hành chính còn "đủng đỉnh", hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu nhất quán và hay thay đổi là khó khăn mà các DN FDI đang phải đối mặt.
Ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (quốc gia dẫn đầu danh sách 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam) cho biết, hầu hết các DN Nhật Bản cho rằng, cơ hội thu hút đầu tư của Việt Nam rất lớn, song Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực.
Cần một chiến lược bài bản
Rõ ràng, yêu cầu tối ưu hoá lợi ích của dòng vốn FDI cho nền kinh tế không những cần thiết trong bối cảnh hiện tại, khi mà nền kinh tế Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, mà cả trong tương lai, trước những yêu cầu mới của quá trình phát triển. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Một chiến lược bài bản thu hút và quản lý dòng vốn FDI giai đoạn mới cần được nhanh chóng hoàn thiện với các giải pháp tổng thể để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, giải quyết rốt ráo các nút thắt về thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực... Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ ngành, địa phương chú ý rà soát bổ sung để có chính sách ưu đãi cao đối với những dự án hạ tầng kỹ thuật, có tính lan tỏa, bố trí vốn ngân sách cho các dự án hợp tác công - tư (PPP), đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút FDI giữa các địa phương…
Nhìn lại và đánh giá những kết quả, những hạn chế sau 25 năm thu hút FDI cũng là dịp để hoàn thiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, khi mà kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn với quốc tế.
Hà Nội là địa phương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI, số vốn đăng ký 22,4 tỷ USD, đã thực hiện giải ngân gần 10 tỷ USD. Tới đây, để thu hút đầu tư, Hà Nội đã mở nhiều văn phòng xúc tiến đầu tư tại các nước, cải cách thủ tục hành chính, xây nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, đào tạo cán bộ... Có nhiều lợi thế, song Hà Nội định hướng thu hút vốn nước ngoài theo tiêu chí nâng cao chất lượng và xem xét sự đóng góp tổng thể của dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ông Nguyễn Văn Sửu Phó Chủ tịch UBND TP. |