Duy trì, phục hồi sản xuất
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, với khoảng 10,3 triệu cư dân đang sinh sống, làm việc và học tập, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của TP là rất lớn. Cụ thể, trung bình mỗi tháng, lượng hàng hóa mà Hà Nội cần bảo đảm đối với một số mặt hàng là: Gạo 92.970 tấn, thịt lợn hơi 18.594 tấn, thịt bò 5.230 tấn, thịt gà - vịt 6.198 tấn, thủy hải sản đông lạnh 5.165 tấn, rau củ 84.100 tấn…
Khả năng đáp ứng của Hà Nội đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu trên vẫn còn khá hạn chế. So với nhu cầu thực tế, mức độ đáp ứng đối với một số sản phẩm đạt tỷ lệ là: Gạo 35%, thịt bò 15%, thủy hải sản 5%, rau củ 65%, thực phẩm chế biến 25%, trứng gia cầm 66%... |
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tăng cường sản xuất, tập trung vào các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu. Thống kê cho thấy, toàn TP hiện đang tập trung sản xuất khoảng 18.500ha rau, 19.500ha cây ăn quả. Duy trì tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn, dê...) và gia cầm (gà, vịt, ngan, chim cút...) gần 40.000 con. Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 dự kiến cũng đạt khoảng 24.000ha.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô thì việc kiểm soát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất quan trọng. Hiện, công tác này đang được Hà Nội kiểm soát tương đối tốt. Đặc biệt, chăn nuôi lợn của Hà Nội đang dần phát triển trở lại, với tổng đàn đã hồi phục được trên 55% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát tháng 2/2019.
Kết nối với các tỉnh, thành
Cùng với năng lực sản xuất nội tại, Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với 21 tỉnh, TP trong Ban Điều phối chuỗi cung ứng rau thịt an toàn cho Thủ đô để xúc tiến thương mại các ngành hàng nông sản. Hiện mỗi ngày, vẫn có hàng chục ngàn tấn nông sản thực phẩm được chuyển về tiêu thụ tại Hà Nội. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, do tác động của dịch Covid-19 nên việc giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, TP ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, sản phẩm từ các địa phương trong Ban Điều phối hiện vẫn được chuyển về tiêu thụ tương đối ổn định tại Hà Nội thông qua các kênh phân phối, siêu thị, hệ thống bán lẻ. Trong đó, các tỉnh có sản lượng hàng hóa cung cấp cho Hà Nội lớn nhất thời gian qua có thể kể tới: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Nam, Sơn La…
Ngoài ra, thống kê hiện còn có khoảng 200 nhà cung cấp của các tỉnh, TP đã kết nối trực tiếp, đưa sản phẩm của bà con nông dân, người sản xuất các địa phương để tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội như Vinmart, Big C Thăng Long, Saigon Co.op, Hapro, T-mart... Với việc triển khai đồng bộ hai giải pháp song hành là sản xuất và liên kết cung ứng, nguồn cung thực phẩm cho Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp được đánh giá là không có sự biến động lớn đáng kể.