Theo đó, giáo viên (GV) từ mầm non đến THCS được tăng lương. Đây là chính sách được rất nhiều GV ủng hộ. Nhưng theo các chuyên gia, dù thông tư có hiệu lực, việc thực hiện vẫn cần lộ trình và hướng dẫn chi tiết.
Không có chuyện lương giáo viên dạy lâu năm bằng lương mới ra trườngHiện nay, có nhiều thông tin cho rằng, từ ngày 20/3/2021, khi 4 thông tư mới được áp dụng thì GV giảng dạy lâu năm và mới được tuyển dụng có mức lương giống nhau. Xung quanh vấn đề này, luật sư Lê Đức Thọ - Công ty Luật HĐ cho rằng: Khi nghiên cứu 4 thông tư nêu trên chỉ quy định về mức lương theo công thức: Lương = Hệ số x Lương cơ sở. Trong khi đó, ngoài “lương cứng” này, GV còn được hưởng các khoản phụ cấp và khoản chi ngoài lương khác.
Cụ thể, một trong những khoản phụ cấp mà GV giảng dạy lâu năm được hưởng mà GV mới ra trường chưa được hưởng là phụ cấp thâm niên. Tại Hội nghị T.Ư 13, Ban Chấp hành T.Ư đã thông qua việc lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 1/7/2022. Không chỉ vậy, Bộ GD&ĐT đã đề xuất tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo, xin ý kiến của các bộ liên quan và đều nhận được sự đồng thuận về vấn đề này.Như vậy, hiện nay, GV viên sẽ được tính theo công thức sau: Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở + các loại phụ cấp (thâm niên + giảng dạy…) - tiền đóng BHXH (trong đó: Mức lương cơ sở hiện đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP; Hệ số hiện đang được tính theo từng hạng quy định tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 và 23. Sắp tới đây, từ ngày 20/3/2021, GV các cấp sẽ được chuyển hạng và bổ nhiệm sang hạng mới với hệ số lương nêu tại Thông tư số 01, 02, 03 và 04).
“Như vậy, từ ngày 20/3/2021, GV dạy lâu năm vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định hiện nay. Do đó, không có chuyện GV lâu năm hưởng bằng lương GV mới ra trường” – luật sư Lê Đức Thọ nói.TS Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Dải lương của GV được mở rộng và có hệ số cao hơn, ở cả hai phía tối thiểu và tối đa trong mỗi hạng. Thay vì hưởng mức lương khởi điểm 1,86 (mầm non và tiểu học) và 2,10 (THCS) như trước đây, nay được hưởng mức lương khởi điểm tương ứng là 2,10 và 2,34. Qua khảo sát sơ bộ ở một số cơ sở giáo dục, cho thấy số GV có thâm niên dưới 12 năm được hưởng lợi nhiều hơn so với GV có thâm niên dưới 24 năm. Riêng số GV lớn tuổi, sắp nghỉ chế độ hưởng lợi về lương theo thông tư mới là không đáng kể”.Vẫn phải chờ thông tư hướng dẫnKhông phải mọi cấp đều có mức lương tăng. Đối chiếu hệ số lương cũ và mới theo 4 thông tư, GV cấp THPT về cơ bản là không thay đổi cách xếp lương, bổ nhiệm; GV mầm non mặc dù bổ sung thêm hạng mới nhưng hạng mới chỉ được bổ nhiệm nếu được xét/thi thăng hạng. Cô Nguyễn Thị Thu Trà - GV tiểu học tại huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết: Nếu đáp ứng điều kiện thì lương GV tiểu học ở tất cả các hạng đều tăng so với trước đây. Đồng thời, với GV tiểu học để đạt được mức lương cao nhất thì phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng I. Còn GV cấp THCS ở các hạng đều tăng lương hơn so với trước. “Tất nhiên còn điều kiện đi kèm nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, tăng lương là một trong những điều rất đáng mừng với nghề giáo” – cô Nguyễn Thị Thu Trà nói.Với vấn đề tăng lương, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tăng lương cho GV là điều hết sức cần thiết, phải đãi ngộ cho GV thực sự để người ta sống được bằng đồng lương. “Lương GV mới ra trường ở TP chỉ 3 - 4 triệu đồng, công việc lại rất vất vả, áp lực, làm sao để họ toàn tâm toàn ý với nghề dạy học được” - TS Nguyễn Tùng Lâm nói. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ GD&ĐT mới ban hành thông tư, kể cả ngay cả khi thông tư có hiệu lực, vẫn cần hướng dẫn chi tiết từ Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục để triển khai. Có hướng dẫn thì người đứng đầu các đơn vị mới xây dựng được đề án, vị trí việc làm; lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với GV trong trường cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp… Vì thế, việc lương tăng ngay sau ngày 20/3 là chưa thể và vẫn phải chờ lộ trình thực hiện.
4 Thông tư (01/2021, 02/2021, 03/2021, 04/2021) quy định về bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường THPT, THCS, tiểu học và mầm non công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 20/3/2021. Theo đó, GV mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1 - 6,38 (hiện nay đang áp dụng hệ số lương dao động từ 1,86 - 4,98); GV tiểu học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang áp dụng từ 1,86 - 4,98); GV THCS áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34 - 6,78 (hiện nay đang hưởng lương theo hệ số lương từ 2,1 - 6,38). Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng. Còn những bất cập cần được tháo gỡ "4 thông tư trên có quy định mới về tiền lương nhưng GV vẫn phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn nghề của hạng hiện giữ thì mới được bổ nhiệm vào hạng tương ứng. Cuộc đua “chạy” chứng chỉ lại tiếp tục diễn ra. Vì thế, không phải không có lý khi nhiều nhà giáo lại mong muốn giáo dục quay về thời kỳ GV được nhận phụ cấp đứng lớp 30% tới 35 % và trợ cấp thâm niên 1% mỗi năm (xuất phát từ 5%). Có vậy, tổng lương thực GV được lĩnh mới cao hơn dải lương mới hiện hành." - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), TS Đặng Tự Ân |