Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông: đánh giá tác động xã hội

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công an đang đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông.

Đề xuất này được khá nhiều người đồng tình với quan điểm việc nâng mức xử phạt là cần thiết, tuy nhiên cần có sự đánh giá kỹ lưỡng cho phù hợp.

Tạo sức răn đe

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) (Bộ Công an) cho biết, đơn vị đang tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt hành chính, trong đó dự kiến điều chỉnh tăng mức phạt với một số nhóm hành vi vi phạm liên quan đến quy tắc giao thông trên đường cao tốc và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Lực lượng chức năng xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Hải Linh
Lực lượng chức năng xử lý người vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Hải Linh

Theo đánh giá của Cục CSGT, thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai của lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng CSGT, tình hình trật tự, an toàn giao thông có chuyển biến tích cực. Trong đó, tai nạn giao thông đã được kiềm chế, ý thức người tham gia giao thông từng bước nâng lên.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra như: hạ tầng giao thông phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu, tổ chức giao thông còn bất cập; phương tiện tăng hàng năm gần 500.000 ô tô, hơn 2 triệu xe máy; ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao... Thực trạng đó dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông vẫn diễn ra phổ biến, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân do lỗi chủ quan của người lái xe…

Để lập lại trật tự, kiềm chế tai nạn giao thông, nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa giao thông văn minh, đòi hỏi việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh; bảo đảm việc tuyên truyền và chế tài xử lý phải mạnh để xử lý tương xứng với các hành vi vi phạm, nhất là những hành vi cố ý xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, theo đại diện Cục CSGT, việc tăng mức xử phạt sẽ tập trung vào các hành vi như: vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng; một số nhóm hành vi không chấp hành các quy định về sở hữu phương tiện; gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, che biển số… Đây là hành vi vi phạm có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.

Đại diện Cục CSGT khẳng định, việc tăng mức xử phạt ở một số hành vi vi phạm nêu trên là cần thiết, tuy chưa tương xứng với các quốc gia khác, nhưng vẫn bảo đảm tính nhân văn trong việc nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện, xây dựng môi trường văn hóa giao thông bình đẳng, văn minh và kiềm chế tai nạn giao thông.

Nghiên cứu, đưa ra khung hình phạt cụ thể

Đại tá Phạm Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục CSGT - đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định cho hay, những hành vi được đề xuất tăng nặng mức phạt không chỉ là những hành vi vốn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông, mà còn gây bức xúc xã hội, như: vượt đèn đỏ, vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn, che dán biển số, giao xe cho người không đủ điều kiện hoặc đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng…

"Đó là những hành vi chúng tôi tập trung trong đợt, mà xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Việc này nhằm giáo dục, răn đe, cần phải triệt tiêu những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, để xử lý nghiêm, giải quyết những bức xúc của xã hội" - Đại tá Phạm Quang Huy chia sẻ.

 

Dự thảo đề xuất mức xử phạt với tài xế ô tô lùi xe trên đường một chiều, đường có biển cấm đi ngược chiều, tăng lên mức 9 - 11 triệu đồng; tài xế điều khiển ô tô đi vào khu vực cấm, đường cấm từ 4 - 6 triệu đồng. Các hành vi như dừng, đỗ, quay đầu xe gây ùn tắc giao thông; quay đầu xe trong hầm đường bộ hoặc vượt không đúng quy định từ 8 - 12 triệu đồng. Hành vì không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông từ 8 - 10 triệu đồng. Đáng chú ý, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng gấp 5 lần từ 4 - 6 triệu đồng với mức phạt cũ lên 28 - 30 triệu đồng. 

Trước vấn đề nêu trên, nhiều chuyên gia cũng như người dân tán thành việc nâng mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông. Anh Nguyễn Văn Long (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Việc tăng mức xử phạt ở một số lỗi vi phạm giao thông như quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hay xử lý vi phạm nồng độ cồn đã tạo chuyển biến tích cực cho người dân. Nhiều người dân sợ bị phạt nhiều tiền hay bị giữ bằng lái quá lâu mà tự nâng cao ý thức tham gia giao thông”. Tuy nhiên, theo anh Long, không ít phương tiện có giá trị thấp, khi nâng mức phạt, nhiều người có xu hướng bỏ lại phương tiện khi bị lập biên bản. Điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý của lực lượng chức năng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng mức phạt tăng cao sao cho phù hợp với lỗi vi phạm cũng như loại phương tiện.

Chị Hà Thị Thúy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Mức phạt tiền được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã tăng rất cao, gấp nhiều lần so với mức phạt trước đó, nhưng vi phạm vẫn không giảm. Do vậy, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn cao. Nhiều người dân vẫn cho rằng, vi phạm chưa chắc đã bị xử lý mà cố tình đi sai. Vậy nên, bên cạnh xử phạt bằng tiền, công tác tuần tra, kiểm soát, áp dụng công nghệ vào xử phạt vi phạm là đặc biệt quan trọng”.

Theo chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung, việc tăng mức phạt phải phù hợp với tính chất và mức độ vi phạm, đặc biệt là những vi phạm có nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đồng thời, các hoạt động này phải được thực hiện song hành với công tác tuyên truyền và tuần tra xử lý vi phạm giao thông. “Cũng cần có đánh giá thêm về tác động xã hội của việc nâng mức phạt, đồng thời căn cứ mức thu nhập trung bình của người dân. Bởi nếu mức phạt quá cao sẽ vượt quá khả năng nộp phạt của người vi phạm, nhất là những người đi mô tô, xe gắn máy” - chuyên gia Vũ Hoàng Chung nhìn nhận.

Có thể thấy, các khoản tiền phạt quá cao có thể ảnh hưởng không cân xứng đến những người có thu nhập thấp, dẫn đến khó khăn về tài chính. Các khoản tiền phạt được coi là không công bằng hoặc quá mức có thể gây bất mãn cho công chúng vào việc thực thi pháp luật. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nghiên cứu và đưa ra khung hình phạt cụ thể với người cố tình hay vô tình vi phạm, lái xe không hợp tác hay có hợp tác khi bị phát hiện xử phạt.

Bên cạnh đó, cần phân loại nhóm các hành vi vi phạm có xu hướng gia tăng, nhóm hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến tai nạn giao thông, nhóm hành vi có tính chất gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh trật tự, an toàn công cộng do hành vi cố ý vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thì cần phải tăng mức chế tài hành chính để răn đe, phòng ngừa những hậu quả xấu có thể xảy ra đối với xã hội.

 

Đánh vào túi tiền là một trong những giải pháp hiệu quả điều chỉnh cách lựa chọn hành vi của các cá nhân trong cộng đồng, tác dụng phát huy gần như ngay lập tức. Việc tăng nặng chế tài đối với các hành vi có nguy cơ cao dẫn tới tai nạn giao thông là cần thiết. Tuy nhiên, cần có đánh giá kỹ về mức độ đáp ứng, tác động xã hội của đề xuất tăng mức phạt tiền dựa trên những dữ liệu đầy đủ và quan trọng hơn, cần đề cao việc phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm để phát huy tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm hơn là việc tăng mức phạt tiền.

Chuyên gia giao thông Vũ Hoàng Chung