Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi, thú y

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mức phạt nhẹ, chưa đủ sức răn đe là những bất cập khiến tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y và thức ăn chăn nuôi (TĂCN) vẫn đang diến biến phức tạp.

Chính vì vậy, tại các cuộc lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, đa số các ý kiến đều đề nghị tăng mức phạt.

Mạnh tay để răn đe

Từ năm 2009 đến nay, ngành thú y và các cơ quan hữu quan đã phát hiện và xử lý hơn 17.600 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y với số tiền phạt trên 17,3 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, qua hơn 4 năm triển khai, Nghị định số 40 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như mức phạt thấp, không bảo đảm tính răn đe…
 
 
Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong chăn nuôi, thú y - Ảnh 1
 
 
Kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại quận Long Biên.  Ảnh: Quang Thiện
 

Khắc phục điểm này, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và TĂCN đã nâng mức phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng. Ngoài ra còn bổ sung thêm một số hành vi vi phạm. Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, đối với các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phải phạt thật nặng, thậm chí trên 200 triệu đồng.

Bởi, hành động này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất mà còn làm hại sức khỏe của người dân. Đồng thời, phải có quy định công bố trên phương tiện thông tin đại chúng. "Doanh nghiệp sợ nhất là mất thương hiệu nên hình thức này có tác dụng rất hiệu quả" - ông Lịch bày tỏ.

Đặc biệt, trong Dự thảo Nghị định lần này còn quy định mức phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông chó ở nơi công cộng. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương chia sẻ, quy định này là cần thiết bởi chó là vật nuôi dễ lây truyền nhiễm bệnh dại. Mới đây, chỉ trong vòng một tháng, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có tới hơn 20 người bị chó dại cắn. Nếu không quản chặt tình trạng này thì nguy cơ lây nhiễm bệnh dại cho người là rất lớn.

Cụ thể để tăng tính khả thi

Mặc dù đã được sửa đến lần thứ 5, song Dự thảo Nghị định lần này vẫn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là cần quy định cụ thể các hành vi vi phạm để tăng tính khả thi khi triển khai thực hiện.

Tán thành với việc xử phạt hành vi thả rông chó nhưng theo ông Nguyễn Đình Đảng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, nên nói rõ là chó thả rông trong khu vực đông dân cư và không có rọ mõm để thống nhất với các văn bản trước đó.

Hay theo Dự thảo Nghị định, hành vi phá hoại nguồn gene vật nuôi quý hiếm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ nguồn gene đó cụ thể là gì, tránh trường hợp một người dân làm vỡ một quả trứng mang nguồn gene quý bị phạt tới 50 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, hiện nay, việc giữ gìn và phát triển nguồn gene ở nước ta chủ yếu ở trong dân. Do đó, nếu không tính toán thật kỹ, quy định thật cụ thể thì Nghị định sẽ có nguy cơ trở thành yếu tố "ngăn sông cấm chợ", cản trở hoạt động sản xuất của người dân.

Ngoài ra, trong lĩnh vực quản lý TĂCN, Dự thảo Nghị định chỉ quy định phạt tiền đối với hành vi kinh doanh TĂCN có hàm lượng định lượng một loại chất chính chỉ đạt từ 91 - 95% so với ngưỡng tối thiểu hoặc quá từ 10 - 15% so với ngưỡng tối đa mức chất lượng đã công bố của sản phẩm.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, quy định "chất chính" còn quá chung chung, chỉ những người làm kỹ thuật mới hiểu nên khi triển khai thực tế ở cơ sở sẽ nảy sinh sơ hở để đối tượng vi phạm "lách luật"...

 
Nhắc lại "bài học" về Thông tư 33, 34 quy định về điều kiện kinh doanh thịt tươi sống và gia cầm, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn yêu cầu Tổ soạn thảo tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung của Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi và TĂCN đảm bảo tính khả thi.