Cuộc tọa đàm đã thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chủ doanh nghiệp (DN), cán bộ công đoàn và cả công nhân lao động (CNLĐ) sản xuất trực tiếp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Thanh tra chính sách BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra thông tin: Hiện năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/18 NSLĐ của Singapore, bằng 1/6,5 Malaysia, 1/3 Thái Lan và Trung Quốc… Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar, Campuchia và đang xấp xỉ với Lào. Đề cấp tới một số nhân tố ảnh hưởng đến NSLĐ của Việt Nam, ông Tuấn nhận định, hai yếu tố quan trọng là cơ cấu lao động và kỹ năng lao động.
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.
|
Từ góc độ nghiên cứu về CNLĐ và công đoàn, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, tiền lương và NSLĐ là mối quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất trong một nền kinh tế, cũng là mối quan hệ giữa làm và ăn, cống hiến và hưởng thụ của người lao động (NLĐ) trong một tập thể DN. “Giữa tiền lương, thu nhập và NSLĐ có một điểm gắn kết như sợi dây ràng buộc, đó là quá trình lao động. Tăng NSLĐ làm giảm hao phí sức lao động cho một đơn vị sản phẩm hay giảm chi phí tiền lương cho một đơn vị sản phẩm. Quá trình lao động gồm nhiều hoạt động, trong đó NLĐ sử dụng sức lao động để tạo ra NSLĐ, lúc đó là họ đã làm hao phí sức lao động của mình để tạo ra sản phẩm nên phải được trả công để bù đắp lại lượng lao động đã hao phí, đó là tiền lương xứng đáng”, ông Thọ phân tích.
Từ thực tế của các DN tại các KCN - KCX Hà Nội, ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch công đoàn các KCN-KCX Hà Nội khẳng định: Các chính sách về tiền thưởng hay các hình thức thưởng cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng NSLĐ, là động cơ khiến NLĐ làm việc tốt hơn.
Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến của lãnh đạo DN, chủ tịch công đoàn cơ sở và CNLĐ về những giải pháp để tăng NSLĐ, đảm bảo đời sống cho NLĐ và tăng trưởng của DN.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP may Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên cho rằng: Muốn tăng NSLĐ thì trước hết Việt Nam phải cải tiến cách đào tạo. Hiện nay, đào tạo trong nước nhiều khi cần tới 3 năm để cho ra 1 người thợ vào thực tế không làm được gì. Chương trình đào tạo chưa sát nhu cầu thực tế. Các trường thường đào tạo để cho ra những người thợ toàn năng, trong khi giờ đây, sản xuất đang phải đi vào chuyên biệt: DN chuyên làm sơ mi thì phải đào tạo kỹ năng về sơ mi, hoặc chuyên làm dệt kim thì chỉ đào tạo về dệt kim thôi… Không thể bắt người thợ làm được mọi việc trong khi cả đời họ chỉ làm một việc.
Về phía DN “tốt nhất khi đã làm tốt một công đoạn nào đó trong chuỗi giá trị, DN nên cố gắng chú trọng kỹ năng đó, để nâng cao NSLĐ lên bằng hoặc thậm chí cao hơn một số nước xung quanh, thì mới vừa giữ được thị trường, vừa tăng thu nhập cho NLĐ”, ông Dương đề xuất.