Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/9, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2010 - 2015”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ Giàng Seo Phử và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã đến dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt.

Theo đánh giá, sau 4 năm thực hiện với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ Thành phố đến cơ sở, Nghị quyết 06 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thực sự đi vào cuộc sống. Bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có sự thay đổi rõ rệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm khu vực này tăng 10%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Hiện các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống đã hình thành một số mô hình sản xuất tập trung hiệu quả kinh tế cao như, mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng ở xã Yên Bình, Tiến Xuân(Thạch Thất) vùng sản xuất chè búp khô ở Ba Trại, Tiến Xuân (Ba Vì).

Nhờ những chính sách ưu tiên đặc biệt như vậy với vùng khó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đã giảm đáng kể, từ 18,55% năm 2011, ước đến hết năm 2015 giảm còn 5%.

 
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen cho các tập thể
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng khen cho các tập thể.
Cùng với đó, TP đã ưu tiên dành nguồn lực đáng kể để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã vùng DTTS. Từ năm 2011 - 2015, Hà Nội đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình; đồng thời kêu gọi các quận nội thành đăng ký hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn với số tiền 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện với tổng kinh tế 101 tỷ đồng cho vùng khó.

Nhờ nguồn lực đầu tư này, đến nay 100% xã đã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, 14/14 xã DTTS và 100% số thôn có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh; có 3 xã đạt từ 14 - 16 tiêu chí, 4 xã đạt từ 11 - 13 tiêu chí nông thôn mới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giàng Seo Phử và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, của UBND, các đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng đồng bào DTTS miền núi. Đổi thay mạnh mẽ trong cuộc sống, diện mạo vùng đồng bào DTTS miền núi của TP trong những năm qua đã khẳng định tính đúng đắn trong các Nghị quyết của Đảng nói chung và của Thành ủy nói riêng. 

Để Nghị quyết đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh các ngành, các địa phương phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng xã, của cả vùng và lực lượng lao động của các dân tộc thiểu số miền núi để có định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Trong đó, cần gắn việc thực hiện Nghị quyết với xây dựng nông thôn mới để tránh đầu tư dàn trải, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. “Chúng ta không nên chỉ thăm hỏi, động viên các hộ nghèo, khó khăn theo kỳ cuộc mà phải xác định đây là việc làm thường xuyên, với những giúp đỡ cụ thể. Những hộ có khả năng thoát nghèo thì nên quan tâm đầu tư. Mỗi quận có thể tập trung nguồn lực giúp một xã sẽ đạt kết quả tốt hơn”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng gợi ý.  

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh, cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Có chính sách ưu tiên đối với công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc và thu hút sinh viên đã tốt nghiệp đến công tác tại vùng dân tộc, vùng khó khăn; xây dựng lực lượng cốt cán và phát huy vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị từ cơ sở.