Góp phần tăng chất lượng phục vụChính thức triển khai từ năm 2018, đến nay công tác khảo sát, đo lường, xếp hạng, công bố chỉ số này đã đạt được kết quả nhất định; đa số người dân, tổ chức đồng tình cần tiến hành thường xuyên. Người dân cũng đánh giá ngày càng cao sự phục vụ của các cơ quan hành chính TP. Đồng thời, Hà Nội luôn quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai; có phối hợp tích cực của các cơ quan, đơn vị được TP chọn khảo sát, nhất là người đứng đầu. Qua triển khai và rút kinh nghiệm, đến nay phương pháp khảo sát, đánh giá sự hài lòng đã cơ bản hoàn thiện, với quy trình khảo sát, hệ thống tiêu chí, phương pháp thu thập, phân tích dữ liệu... được cập nhật, cụ thể hóa, sử dụng chính thức toàn TP, sát đặc thù quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu điều tra trên diện rộng. Đặc biệt, kết quả rất quan trọng là chỉ số hài lòng đã tạo sự thay đổi nhận thức của các sở, ngành, địa phương theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.
Thực tế cũng cho thấy, thông qua việc cho ý kiến khảo sát, người dân, tổ chức, DN đã tham gia minh bạch, hiệu quả vào công tác cải cách hành chính (CCHC) nói riêng và quản lý Nhà nước nói chung, do đó, họ tích cực cho ý kiến khi được phỏng vấn và góp ý tâm huyết với chính quyền. Phần lớn nguyện vọng của người dân đã được UBND TP và sở, ngành, địa phương tiếp thu đưa vào kế hoạch CCHC và trong các chỉ đạo thường xuyên về công tác này, nhất là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một cửa liên thông… Thông qua đo lường chỉ số này còn góp phần đưa các chỉ số về CCHC nói chung được cải thiện rõ rệt theo thời gian. Trong đó, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan đơn vị thuộc TP tiếp tục đạt trên 80% (hoàn thành sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết 30c/NQ-CP và Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy). Chú trọng kỷ cương hành chính, đạo đức công vụSong song những thuận lợi mang lại kết quả tích cực trong triển khai khảo sát, đo lường, công bố chỉ số hài lòng của người dân, TS. Võ Hải Long - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội nhận định: Vướng mắc đầu tiên trong triển khai công tác này hiện nay chính là nhận thức của người dân ở mỗi địa phương khác nhau, khiến phương pháp đánh giá cần linh hoạt. Việc khảo sát chưa được thực hiện đồng bộ hằng năm, chưa có kế thừa và so sánh; nhiều cơ quan khảo sát thiếu thống nhất, hoặc vừa giải quyết thủ tục hành chính vừa thực hiện khảo sát mức độ hài lòng nên thiếu khách quan... Cùng với đó, bộ tiêu chí đánh giá mức hài lòng do Bộ Nội vụ ban hành cần được chi tiết hóa để phù hợp đặc thù Hà Nội. “Đặc biệt, cơ sở vật chất bộ phận “một cửa” một số cơ quan chật chội, thiếu tiện nghi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân; ứng dụng CNTT, tích hợp dữ liệu và khai thác nhiều phần mềm chưa liên thông nên gây khó khăn trong áp dụng CNTT vào khảo sát, đo lường”- TS. Võ Hải Long bày tỏ.Từ thực tế đó, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội đề xuất, trong thời gian tới, TP cần sớm nâng cao được ý thức kỷ cương, đạo đức công vụ và tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Chú trọng kiểm tra nội bộ, kiên quyết công khai xử lý tinh giản biên chế những cán bộ công chức hạn chế năng lực, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ; phát huy mạnh vai trò giám sát của báo chí TP. Thực hiện nghiêm việc niêm yết và sử dụng hiệu quả hệ thống đường dây nóng từ cấp TP đến bộ phận “một cửa” ở cơ sở...Bên cạnh đó, cần tăng cường minh bạch trong hoạt động quản lý Nhà nước, cụ thể là các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã ban hành quy chế công khai những lĩnh vực, thẩm quyền quản lý của mình; nghiêm cấm lấy lý do thuộc danh mục bí mật Nhà nước để từ chối cung cấp thông tin khi có yêu cầu với những danh mục không thuộc phạm vi “mật”. Đồng thời, chú trọng công khai những vấn đề xã hội quan tâm: Quản lý sử dụng NSNN, quy hoạch quản lý đô thị - đất đai, công tác tổ chức cán bộ, quy trình - kết quả giải quyết TTHC…
Từ năm 2016 đến nay, TP chủ động tổ chức khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với nhiều lĩnh vực, nhóm dịch vụ hành chính công: Năm 2016 khảo sát 4 nhóm dịch vụ lao động - việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, bảo trợ xã hội, người có công; năm 2017 khảo sát 3 lĩnh vực an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, cấp đổi giấy phép lái xe; năm 2018 với 4 lĩnh vực đăng ký kinh doanh, khám chữa bệnh, cấp giấy phép xây dựng, tiêu chuẩn - đo lường chất lượng; năm 2019 khảo sát 20 đơn vị thuộc sở, cơ quan ngang sở và 30 quận, huyện, thị xã cùng 4 dịch vụ công ích, dịch vụ công sự nghiệp (giáo dục công, y tế công, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường). |