Tại Hội thảo "Chiến lược CN và phát triển CLKN" do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 28/3, các chuyên gia đều cho rằng, CLKN có vai trò to lớn giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước, đổi mới công nghệ, kỹ năng quản lý... Đồng thời, còn phát triển được tính năng động, tinh thần kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, đẩy nhanh công nghiệp hóa và giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, để phát triển các CLKN, các chuyên gia cho rằng, điều kiện đầu tiên là phải có các công ty dẫn đầu (gồm công ty trong nước, công ty đa quốc gia/xuyên quốc gia); mạng lưới công ty cung ứng; khả năng tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng cơ bản... Nhìn vào thực tế tại Việt Nam, "các CLKN chủ yếu được hình thành và phát triển một cách tự nhiên với tính bền vững, năng động thấp, liên hệ lỏng lẻo cũng như ít liên kết với DN trong và ngoài cụm. Đáng chú ý, Việt Nam chưa có chiến lược, chính sách hữu hiệu giúp hình thành và phát triển các CLKN để qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho nền kinh tế" - TS Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục phát triển DN Bộ KH&ĐT chia sẻ. Hệ lụy của thực trạng yếu kém của CLKN là năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các nhóm hàng CN chủ lực rất hạn chế: Hàng dệt may - da giày mới đạt 20 - 30% giá trị gia công, chế biến nguyên vật liệu thực hiện trong nước. Tương tự, tỷ lệ lắp ráp trong nước của ngành ô tô chỉ là 5 - 10%; ngành điện - điện tử 20 - 40%...
Nguyên nhân của những bất cập này được lý giải trước hết do chính nhận thức về ý nghĩa của sự liên kết trong nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế; chính sách phát triển các khu, cụm CN chưa được lồng ghép hài hòa trong chính sách phát triển của các địa phương cũng như phát triển ngành, trong đó có CN hỗ trợ. Ngoài ra, trình độ công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lực quản lý của DN Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh.
Từ đó, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao nhận thức về CLKN, hoàn thiện quy hoạch phát triển khu, cụm CN của ngành, địa phương gắn với định hướng phát triển CLKN. Theo Tổng Thư ký Quỹ Kinh tế Nhật Bản Noriyuki Yonemura, Việt Nam nên học tập Nhật Bản lựa chọn một số mô hình CLKN trong những lĩnh vực tiềm năng để xây dựng được các ngành CN cạnh tranh. Đặc biệt, cần thiết lập cơ quan quản lý chính sách CLKN, tạo môi trường thuận lợi cho các DN, tổ chức khoa học - công nghệ và Nhà nước tham gia liên kết, đẩy mạnh những ngành lợi thế tại địa phương.
CLKN được hiểu là nơi tập trung về địa lý của những công ty có liên kết với nhau, những nhà cung cấp chuyên môn hóa, nhà cung cấp dịch vụ, công ty trong những ngành có liên quan, và các thể chế liên quan (như trường đại học, các cơ quan tiêu chuẩn và hiệp hội ngành hàng...) cùng hợp tác, tạo sức cạnh tranh. |