Xã Phù Đổng hiện có trên 1.400 hộ nuôi bò sữa với gần 1.700 con và trên dưới 4.000 con lợn thịt, mỗi năm đóng góp vào tổng giá trị kinh tế toàn xã từ 30 đến 40 tỷ đồng. Do vậy, hầu hết đời sống các gia đình nuôi bò sữa đều được cải thiện, trong đó có không ít hộ đã thành hộ giàu.
Những năm 2010 trở về trước, hầu hết chuồng trại nuôi gia súc của các hộ dân xã Phù Đổng không đạt tiêu chuẩn, mọi phế thải từ đàn bò, đàn lợn đều đổ thẳng ra hệ thống cống rãnh, ao làng, đồng ruộng và các khu vực xung quanh. Anh Nguyễn Xuân An ở xóm Từa, thôn Phù Dực 2 cho biết: Gia đình anh thường nuôi từ 3 đến 4 con bò sữa, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường trên dưới 1 tạ phân nên mùi xú uế trở thành nỗi ám ảnh hàng ngày. Còn anh Nguyễn Tùng Khánh cùng xóm chia sẻ: Tôi nuôi bò sữa từ năm 1998, thời điểm nuôi nhiều nhất có 3 con cho khai thác sữa. Do bận nhiều việc, nên tôi bơm nước xả thẳng chất thải gia súc ra cống rãnh trước nhà…
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết: Một trong những tiêu chí quan trọng được xã nỗ lực giải quyết trong thực hiện chương trình xây dựng NTM thời gian qua là giải bài toán khó về VSMT. Rất nhiều chuyến đi thăm quan học hỏi từ các tỉnh bạn, xã bạn được tổ chức; nhiều cuộc họp với cán bộ chủ chốt và các hộ dân đã nảy ra nhiều ý kiến hay và kinh nghiệm quý. Sau nhiều trăn trở, tìm kiếm cách làm, Phù Đổng đã quyết định giải bài toán này bằng biện pháp kinh tế: Đó là thay việc vận chuyển chất thải từ chăn nuôi đến các điểm chôn lấp tập trung bằng việc vận động các hộ chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây bể khí sinh học biogas, biến chất thải gây ô nhiễm môi trường thành chất đốt phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ngoài nguồn kinh phí do Chính phủ Hà Lan hỗ trợ từ những năm trước, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ đầu tư thêm kinh phí… Với cách làm này, hiện nay trên địa bàn xã đã có gần 800 hộ chăn nuôi (chiếm gần 60% tổng số hộ chăn nuôi trong xã) xây bể biogas xử lý triệt để chất thải từ chăn nuôi lợn và nuôi bò sữa.
Ngoài biện pháp trên, năm 2012, xã Phù Đổng còn dành 750m2 đất ngoài đê thuộc xóm Từa (là nơi bức xúc nhất về VSMT) để thực hiện mô hình nuôi giun quế. Theo đó, toàn bộ lượng phế thải từ chăn nuôi bò sữa ở xóm Từa được vận chuyển ra khu nuôi giun quế. Kết quả của việc thực hiện đồng bộ giải pháp trên đã mang lại cho xã nguồn lợi kép. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi gia súc đã giảm mạnh, xã còn có thêm nguồn kinh phí từ việc cho thuê mặt bằng nuôi giun.