[Tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán] Bài 2: Thị trường chứng khoán vẫn chưa làm tròn vai

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta là từng bước và tiến tới thay thế ngân hàng trong huy động vốn đầu tư trung dài hạn cho nền kinh tế; cùng với đó hỗ trợ cổ phần hóa DN Nhà nước, thoái vốn Nhà nước và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Vốn huy động qua TTCK đang ở mức nào?
Vốn huy động qua TTCK cung cấp cho nền kinh tế bao gồm từ phát hành cổ phiếu (IPO và phát hành bổ sung), phát hành trái phiếu DN (TPDN) và trái phiếu chính phủ (TPCP). Không phải khi quy mô vốn hóa thị trường tăng là quy mô huy động vốn qua TTCK cũng đều tăng theo. Quy mô vốn hóa TTCK phụ thuộc vào thay đổi số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch và quy mô vốn của từng công ty.
Cùng với đó, quy mô vốn hóa thị trường thay đổi tỷ lệ thuận với thị giá chứng khoán. Dĩ nhiên quy mô vốn hóa thị trường tăng và giá cổ phiếu khởi sắc là những yếu tố kích thích nhà đầu tư, qua đó gia tăng khối lượng giao dịch. Đồng thời giá cổ phiếu khởi sắc liên tục sẽ tạo thuận lợi cho công ty IPO và phát hành cổ phiếu bổ sung thành công.
Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2021 của Tổng cục Thống kê cho biết, tính từ đầu năm đến thời điểm 19/3 tổng mức huy động vốn qua TTCK ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng chỉ tăng 0,54%. Tuy nhiên báo cáo này không đề cập cơ cấu vốn huy động qua TTCK.
 Tham khảo thị trường tại Công ty Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Việt Linh

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực thì đây chỉ là lượng TPDN được phát hành tăng 42% so với cùng kỳ. Nếu nói vậy rõ ràng quý 1/2021 không có DN nào phát hành cổ phiếu bổ sung (IPO đương nhiên không có) và không có phát hành TPCP. Vào trang thông tin điện tử của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy tính từ 16/1 đến 31/3 đã có 27 đợt phát hành TPDN riêng lẻ, tổng số vốn huy động thành công là 10.500 tỷ đồng.

Như thông tin đã đưa, năm 2020 có 2.228 đợt phát hành TPDN thành công với tổng số vốn huy động là 403,4 nghìn tỷ đồng, tăng 35,9 % so với năm 2019; đồng thời huy động được 323 tỷ đồng từ TPCP. Nhìn vào các con số đó cho thấy khả năng huy động vốn qua TTCK từ công cụ TPDN, TPCP là khả quan.
Tuy nhiên nếu nhìn vào con số thống kê huy động vốn tăng 42% và 0,54% nói trên để cho rằng TTCK đang trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn lấn át ngân hàng là không có cơ sở. Kết quả huy động vốn của hệ thống ngân hàng không nên đo lường thông qua tổng mức vốn huy động mà nên đo lường thông qua con số tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước thì tổng dư nợ cho vay nền kinh tế năm 2020 là 9,2 triệu tỷ đồng, tăng 12,13% so với năm 2019.

Trong đó tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 60%, tức 5,52 triệu tỷ đồng và bình quân quý là 1,38 triệu tỷ đồng. Như vậy huy động vốn qua TTCK quý 1/2021 chỉ xấp xỉ 4% dư nợ cho vay trung dài hạn bình quân mỗi quý năm 2020 của hệ thống ngân hàng. Đây là con số hết sức nhỏ nhoi. Nên nhớ huy động vốn của ngân hàng trong quý I/2021 chỉ tăng 0,54% so với cùng kỳ là do thanh khoản của nhiều ngân hàng đang quá dồi dào, nếu ngân hàng huy động vốn nhiều hơn sẽ đọng vốn. Do nhu cầu tín dụng của DN trong quý 1 hàng năm thường thấp hơn các quý tiếp theo nên không ít ngân hàng đang có chủ trương giảm tốc huy động vốn là rất hợp lý.
Từ đầu quý IV/2020 đến cuối quý I/2021 được cho nguồn vốn đổ vào TTCK gia tăng liên tục với mức rất lớn nhưng xét kỹ thì chủ yếu để lấp vào giá trị vốn hóa thị trường tăng lên do thị giá tăng lên chứ không phải huy động vốn qua TTCK tăng lên (VN index 31,1%, HNX index 117,6% và UpCom index tăng 31,8% ).

Huy động vốn qua TTCK tiến hay lùi?

Đối với TPDN, điều quan trọng của TTCK là tạo ra thị trường thứ cấp hoạt động sôi nổi kích thích các công ty niêm yết phát hành TPDN ra công chúng, chứ không phải chỉ để cung cấp dịch vụ phát hành TPDN riêng lẻ. Hiện HNX chỉ là nơi tổ chức đăng ký giao dịch và thông báo kết quả phát hành TPDN riêng lẻ. Mặc dù quy định về phát hành TPDN riêng lẻ của Chính phủ đã liên tiếp được thắt chặt hơn, từ Nghị định 163/2018/ NĐ-CP đến NĐ 81/2020/NĐ-CP và nay là NĐ 153/2020/NĐ-CP, nhưng thị trường TPDN đang bị đánh giá rủi ro cao. Các đợt phát hành TPDN riêng lẻ thành công vừa qua chủ yếu lãi suất trái phiếu quá hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm và còn do các công ty chứng khoán tư vấn, môi giới đã rất khéo trong vai trò dụ nhà đầu tư. Có thể nói TTCK chưa tạo được kênh huy động nguồn vốn trung dài hạn thông qua công cụ TPDN đúng bản chất vốn có của nó.

Vai trò nòng cốt của TTCK là tạo kênh huy động vốn cổ phần thông qua phát hành cổ phiếu bổ sung của công ty niêm yết, IPO thực hiện cổ phần hóa DNNN và tăng quy mô vốn của các công ty cổ phần tư nhân lớn, thoái vốn Nhà nước trong các công ty cổ phần. Năm 2017, 2018 được cho là thành công trong các thương vụ IPO thực hiện cổ phần hóa DNNN và thoái vốn Nhà nước thì từ năm 2019 tới nay hoạt động này trên TTCK ngày càng trầm lắng. Nếu năm 2018 có 23 DN thực hiện IPO, trong đó có 6 thương vụ IPO nghìn tỷ đồng thì năm 2019 chỉ có 8 DN, trong đó thương vụ lớn nhất chỉ 300 tỷ đồng.
Nếu năm 2019 có 48 thương vụ thoái vốn Nhà nước thì năm 2020 chỉ có 24 thương vụ, giảm 50% so với năm 2019. Các thương vụ thoái vốn trong 2 năm này đều là thương vụ nhỏ nên tổng vốn cổ phần huy động mỗi năm đều dưới 10.000 tỷ đồng. Một điều đáng quan tâm là từ đầu năm 2020 đến cuối quý I/2021 đã không có một thương vụ IPO nào diễn ra.

IPO và thoái vốn Nhà nước lịm dần có nhiều nguyên nhân không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý điều hành TTCK nhưng rõ ràng TTCK chưa phát huy được vai trò vốn có. Đặc biệt khi thị trường đang có xu thế thăng hoa như hiện nay mà hoạt động IPO và thoái vốn Nhà nước không tận dụng được cơ hội đó có nghĩa TTCK đang bước tụt lùi.
Hàng loạt DNNN trong danh sách cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã không thực hiện được mà lý do phổ biến được chủ DN và cơ quan chức năng giải trình là khó khăn trong việc xác định giá trị DN nói chung và giá trị đất của DN nói riêng. Giờ đây không muốn cổ phần hóa hay khó khăn trong thực hiện định giá DN, hay là gì thì cần có câu trả lời minh bạch như đòi hỏi minh bạch trên TTCK.

Nổi bật nhất trong huy động vốn qua TTCK là hoạt động phát hành cổ phiếu bổ sung tăng vốn của các công ty niêm yết, đăng ký giao dịch. Do TTCK sớm ổn định và có đà tăng trưởng liên tục trên cả 3 sàn từ đầu quý III/2020 đến nay nên hàng loạt DN đã và đang thực hiện kế hoạch phát hành cổ phiếu bổ sung tăng vốn. Theo trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tính từ đầu năm 2021 đến 31/3 đã có 25 báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu của DN. Điều đáng nói là phát hành cổ phiếu bổ sung để trả cổ tức diễn ra phổ biến ở khối ngân hàng với giá phát hành bằng mệnh giá đã không làm tăng được vốn thặng dư. Trong khi một số DN khác thông báo phát hành cổ phiếu tăng vốn bán cho cổ đông hiện hữu có giá phát cao hơn mệnh giá gấp từ 2 đến 4 lần thu được vốn thặng dư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

(còn nữa)