Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán] Bài cuối: Sở giao dịch chứng khoán có nên đặt nặng lợi nhuận?

TS Phan Văn Thường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong hoạt động quản lý giao dịch chứng khoán (GDCK), nếu đặt nặng mục tiêu lợi nhuận rất dễ dẫn tới xung đột lợi ích. Lợi nhuận của Sở GDCK chỉ được coi là minh bạch khi sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) phản ánh đúng xu thế phát triển của nền kinh tế thực.

 Nhà đầu tư tham khảo thị trường tại một công ty chứng khoán tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Nghẽn lệnh và “nghẽn niềm tin”

Từ giữa tháng 3 đến nay cơ quan quản lý, vận hành Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HoSE) đang quyết tâm trong việc khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch do công suất thiết kế quá tải thiết kế ban đầu là 900.000 lệnh. Thông tin những ngày gần đây từ các nhân vật chức trách cho biết rủi ro kỹ thuật sẽ được xử lý khắc phục bởi các chuyên gia đến từ Tập đoàn FPT dự kiến thời gian khoảng 3 - 4 tháng. Câu chuyện rủi ro này bị dư luận chỉ trích nặng nề do lãnh đạo HoSE đã quá chậm lên tiếng chính thức trước thị trường và nhà đầu tư (sau hơn 3 tháng). Trong đó chỉ trích lỗi nặng nhất là từ văn bản của Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam không muốn nhắc lại tại đây. Riêng người viết bài này vẫn còn suy nghĩ về ý kiến trao đổi với phóng viên báo Đầu tư Chứng khoán chiều 2/3 của ông Nguyễn Đắc Sinh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị HoSE.

Theo Báo này đăng tải, ông Sinh nói: “Ngày xưa ban đầu chúng tôi nghĩ giao dịch chỉ 6.000 tỷ đồng mỗi phiên là đủ để nuôi bộ máy rồi. Bây giờ thị trường phát triển thanh khoản đột biến cần có giải pháp công nghệ để xử lý”. Nói vậy phải chăng từ những ngày đầu lãnh đạo HoSE đã coi việc xây dựng TTCK và Sở DGDCK TP Hồ Chí Minh nhằm tạo thu nhập nuôi khoảng trên 100 cán bộ nhân viên quản lý tại đây. Mọi người sẽ nghĩ ra sao với phát biểu đó của nhân vật đứng đầu HoSE khi Chính phủ đã dồn bao nhiêu nguồn lực (bắt đầu từ năm 1993) cho sự ra đời TTCK ở nước ta nhưng mục đích chỉ như ông Sinh nói? Đồng thời phải chăng suy nghĩ như vậy nên tính đến nay sau gần 10 năm triển khai dự án mới về công nghệ xử lý giao dịch được nhập khẩu từ Hàn Quốc nhưng HoSE vẫn không hoàn tất đưa vào vận hành?

Rủi ro vận hành không bằng rủi ro niềm tin. Như thông tin đã đưa, thu nhập lương và thưởng hàng tháng trong năm 2018 của lãnh đạo HoSE có mức trên 70 triệu đồng đến gần 80 triệu đồng. Mức lương này tương đương với mức lương của lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông theo quy định của Chính phủ. Hoạt động kinh doanh của HoSE là thu phí thành viên, phí niêm yết và phí giao dịch được quy định tại Thông tư số 127/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính. Thực chất cơ chế vận hành hoạt động tài chính của HoSE là “lên danh sách thu phí rồi đòi tiền nộp vào tài khoản” quả hết sức nhẹ nhàng. Lãnh đạo HoSE cũng không phải đau đầu tính mưu lược kinh doanh vì dòng tiền tự nó hình thành và họ không hề chịu áp lực hiệu quả kinh doanh. Nói như vậy muốn lưu ý trách nhiệm của lãnh đạo HoSE trước Chính phủ, thị trường và nhà đầu tư đã chưa tương xứng trong câu chuyện để xảy ra nghẽn lệnh giao dịch vừa rồi.

Thị trường tiềm ẩn rủi ro cao

Quan sát trên 3 sàn GDCK đã cho thấy, TTCK nước ta đang hiện dần bóng dáng cờ bạc, đầu tư bầy đàn bởi sự xuất hiện hàng chục vạn nhà đầu tư mới cá nhân có tên gọi là F0. Tham lam và sợ hãi là tâm lý chung của nhà đầu tư trên TTCK nhưng với những nhà đầu tư cũ dù sao họ đã có sức đề kháng nhất định. Còn đối với nhà đầu tư F0 hầu như phần lớn họ chưa có hoặc chưa đủ sức đề kháng. Khi TTCK đang thăng hoa như hiện nay thì các F0 không ngần ngại đu đỉnh, nhưng nếu TTCK bị điều chỉnh mạnh họ sẽ tranh giành nhau đặt lệnh đo sàn dẫn tới thị trường lao dốc không phanh. Chính đây là vấn đề tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho TTCK nước ta hiện tại.

Thực tế diễn ra đang cho thấy dòng tiền đổ vào TTCK ngày càng lớn do khối lượng giao dịch và giá cổ phiếu tăng liên tục, đặc biệt tăng liên tục nhiều phiên trong những ngày gần đây. Từ ngày 29/3 đến 6/4 ghi nhận chỉ số VN-Index tăng 7 phiên liên tục, chốt phiên 6/4 với mức 1.239,96 điểm, tăng 5,46%. Tương tự từ 26/3 đến 6/4, chỉ số HNX Index tăng liên tục 7/8 phiên và chốt phiên 6/4 mức 291,68 điểm, tăng 7,64%. Trong khi chỉ số giá cổ phiếu tăng liên tục nhưng số lượng công ty và khối lượng cổ phiếu niêm yết không tăng. Điều đó cho thấy dòng tiền đang đổ vào các sàn GDCK không phải để đầu tư sản xuất mà đầu tư hình thành bong bóng tài chính.

Bằng chứng xu thế dòng tiền đổ vào TTCK hiện nay đang cho thấy dấu hiệu rủi ro cao trong ngắn hạn nếu cơ quan quản lý thị trường không kiểm soát kịp thời. Phải chăng TTCK đang muốn lặp lại câu chuyện những năm 2008 - 2009, giá cổ phiếu lao dốc xuống vực thẳm kéo theo thị trường bất động sản đóng băng, hệ lụy nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ phá sản vì phải ôm cả quả núi nợ xấu.

Diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường đang vẽ ra câu chuyện phi lý, công ty hoạt động kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu có thể được tạo sóng tăng liên tục, công ty hoạt động yếu hơn thì cổ phiếu có khi lại cao hơn. Dẫn một ví dụ, so sánh giá cổ phiếu của 2 ngân hàng là Ngân hàng thương mại CP Bắc Á (BAB) và Ngân hàng thương mại CP Quân đội (MBB). Giá chốt phiên 5/4 của BAB là 29.200 đồng, MBB là 30.400 đồng được coi gần tương đương nhau. Trong khi đó toàn bộ các chỉ tiêu tài chính phản ánh vào giá cổ phiếu của 2 cổ phiếu này đang một trên trời (MBB) và một dưới vực (BAB).

Lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu của MBB là 3.004 đồng trong khi BAB chỉ 839 đồng; Tổng tài sản của MBB hơn 494.000 tỷ đồng thì BAB chỉ hơn 117.000 tỷ đồng; Giá sổ sách của MBB là 17.901 đồng thì BAB chỉ mức 11.814 đồng; Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của MBB đạt 17,2% thì BAB chỉ đạt 7,1%. Câu hỏi đang đặt ra nếu không có thao túng giá của nhóm nhà đầu tư đang giấu tên nào đó thì liệu BAB có mức giá cao như vậy không? Do được làm giá nên quả bóng BAB đang treo trên chỉ số P/E bằng 34,8 lần trong khi P/E của MBB mới chỉ mức 10,1 lần.

Đặt nặng lợi nhuận có xung đột lợi ích?

Hiện HoSE và HNX đang hoạt động theo mô hình DN Nhà nước (DNNN). Đương nhiên quy chế tài chính của 2 Sở GDCK thực hiện theo quy chế tài chính của DNNN. Vì vậy các chỉ tiêu tài chính hàng năm đều được các Sở GDCK đặt ra là tất yếu. Song điều đáng lưu ý, Sở GDCK là DNNN kinh doanh độc quyền. Doanh thu và lợi nhuận của họ hoàn toàn phụ thuộc và tỷ lệ thuận với quy mô hoạt động của TTCK. Khi số lượng công ty niêm yết, đăng ký giao dịch cũng như quy mô số lượng cổ phiếu họ niêm yết tăng lên thì doanh thu phí của Sở GDCK tăng theo. Khi quy mô khối lượng giao dịch CK tăng lên thì doanh thu phí giao dịch của Sở GDCK cũng tăng theo.

Như thông tin đã đưa, ngày 30/3 vừa qua HoSE đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021 với các chỉ tiêu tài chính như doanh thu đạt 1.065 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 648 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2020. Rõ ràng đây là kế hoạch kinh doanh đang phản ánh mục tiêu hoạt động của HoSE là lợi nhuận bất chấp thị trường đang quá tải công suất thiết kế.

Lợi ích của nền kinh tế và lợi ích của nhà đầu tư chỉ được bảo vệ khi TTCK hoạt động an toàn, hiệu quả. Khi TTCK đang nóng lên như hiện nay ai được hưởng lợi và an toàn nhất đứng ở góc độ lợi nhuận kinh doanh? Rõ ràng đó là Sở GDCK và tiếp đến là các công ty chứng khoán. Cho nên việc Sở GDCK đặt nặng mục tiêu lợi nhuận đương nhiên rất dễ xung đột với lợi ích của nền kinh tế và nhà đầu tư.