Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng chậm lại, lạm phát nhích lên

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2015.

Đây được coi là tháng 7 có mức tăng thấp nhất trong 4 năm qua. Hiện có xu hướng tập trung hơn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP, nhưng cũng có ý kiến không lơi là với lạm phát.

Cân nhắc  

Tập trung hơn cho tăng trưởng, đó là xu hướng được nhắc đến nhiều. Xu hướng này xuất phát từ thực tế tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay thấp khá xa so với cùng kỳ năm trước và cũng thấp khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong khi không ít tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cảnh báo về nguy cơ sập bẫy thu nhập trung bình thì phải chăng tập trung cho tăng trưởng GDP là để khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn? Phải chăng tăng trưởng là điều kiện để thực hiện các mục tiêu khác, như giảm thất nghiệp, tăng thu ngân sách, cải thiện cán cân thanh toán, giảm nghèo...?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Mặc dù tập trung hơn cho tăng trưởng GDP, nhưng không thể chủ quan, lơi là với lạm phát. Việc chủ quan và lơi là với lạm phát có thể xuất hiện không phải là không có căn cứ. Trước hết là CPI tháng 7 tăng 0,13% và sau 7 tháng mới tăng 2,48%. So với mục tiêu cả năm (tăng dưới 5%), thì 5 tháng cuối năm còn có quyền được tăng 2,46%, hay bình quân một tháng tăng gần 0,49% - cao hơn so với 7 tháng đầu năm (0,35%/tháng). Tuy nhiên, phân tích các tác động lên CPI cho thấy, mặc dù chỉ số giá nhóm giao thông 7 tháng đã giảm 2,38%, khả năng tháng 8 sẽ còn giảm sau đợt giảm giá xăng gần đây nhưng giá nhiều mặt hàng đang nhích tăng. Như giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng rất cao (7 tháng tăng tới 25,4%) sẽ làm cho việc điều hành giá nhóm này theo lộ trình giá thị trường thận trọng hơn về liều lượng. Giá nhóm dịch vụ giáo dục 7 tháng cũng đã tăng khá cao (2,61%), cũng sẽ làm cho việc điều hành thận trọng hơn… Xét theo các yếu tố của lạm phát, tỷ giá VND/USD vẫn ổn định (sau 7 tháng giảm 1,02%), nên giá nhập khẩu tính bằng VND vẫn còn giảm. Tốc độ tăng tiền gửi vẫn còn cao hơn tốc độ tăng tín dụng (8,23% so với 7,86%)...

Tuy nhiên, dù dự báo CPI cả năm có thể vượt mục tiêu (dưới 5%), nhưng mức vượt không bao nhiêu và chắc chắn vẫn thấp hơn tốc độ tăng GDP. Ngoài ra, khả năng bội chi ngân sách/GDP có thể thấp hơn mục tiêu và cùng kỳ năm trước (6 tháng là 4,57%, năm trước là 6,11%, mục tiêu cả năm là 4,95%). Trong khi bù đắp bội chi chủ yếu bằng phát hành trái phiếu và vay nợ nước ngoài - tuy có làm tăng nợ công, nhưng không gây áp lực lạm phát tức thời.

Và thận trọng hơn

Mặc dù mức tăng CPI được nhận định thấp hơn GDP song không thể chủ quan, bởi vẫn còn nhiều yếu tố gây ra lạm phát. Yếu tố quan trọng là tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tốc độ tăng tín dụng cao hơn cùng kỳ (tương ứng là 8,07% so với 5,09% và 8,16% so với 7,86%). Khả năng những tháng cuối năm còn tăng cao hơn (tính theo định hướng thì 6 tháng cuối năm nay tăng trưởng tín dụng sẽ là 11,09%, cao hơn cùng kỳ 10,94%). Tốc độ tăng tiền gửi sẽ chuyển từ cao hơn sang thấp hơn tốc độ tăng tín dụng do lãi suất không còn hấp dẫn khi CPI cao lên.

Tổng cục Thống kê dự báo xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm như sau: Nếu giá dầu trung bình 50 USD/thùng, 55 USD/thùng và 60 USD/thùng thì tác động CPI lần lượt sẽ là 0,3%, 0,6%, 0,9%. Việc tăng giá dịch vụ y tế đợt 2 dự kiến làm tăng 1,94%. Việc tăng giá dịch vụ giáo dục làm tăng 0,36%. Tổng hợp lại sẽ tăng 2,6 - 3,2%, tính ra cả năm sẽ tăng 5,01 - 5,63%. Ngoài ra, yếu tố cầu kéo, gồm vốn đầu tư công (còn gần 2/3 kế hoạch); tiêu dùng cuối cùng do tăng lương... Bên cạnh đó, phải kể đến những diễn biến bất thường về thời tiết, môi trường...