Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng GDP có thể vượt mục tiêu 5,8%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là cơ sở quan trọng để đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát khoảng 5% trong năm 2015 là hợp lý.

Sáng 4/11, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam thịnh vượng (VPBank) phối hợp với Công ty chứng khoán VPBank tổ chức hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam - Thực trạng 2014 và triển vọng 2015”. Hội thảo góp thêm những giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và nắm bắt được các thời cơ mới cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hội thảo kinh tế thế giới và Việt Nam-thực trạng 2014 và triển vọng.
Hội thảo kinh tế thế giới và Việt Nam-thực trạng 2014 và triển vọng.
Theo VPBank, từ đầu năm đến nay, đầu tư từ khu vực tư nhân tăng 12,8%, cao hơn 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập trong 9 tháng tăng 13,9% so với cùng kỳ.

Dự báo, trong quý 4, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn được duy trì ổn định. Xuất khẩu tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mỹ phục hồi mạnh mẽ; Các lĩnh vực nông-lâm-thủy sản dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn nhờ những chương trình cho vay hỗ trợ đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản…

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU, Việt Nam - Hàn Quốc và các hiệp định song phương khác dự kiến được ký kết trong thời gian tới sẽ giúp thương mại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng sản phẩm quốc nội, đồng thời thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sự hồi phục của nền kinh tế trong 10 tháng năm 2014 với tăng trưởng GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, dự báo cả năm đạt 5,8%, là cơ sở quan trọng để các chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm rằng, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát khoảng 5% trong năm 2015 là hợp lý.

Để nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng, phải làm sao để tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc các ngành, khu vực, tái cấu trúc ngân hàng và nợ xấu, đây là những vấn đề cụ thể.

Tuy nhiên cái gốc của nó chính là nhu cầu tiêu dùng, của xã hội và lòng tin của người dân trong vấn đề đầu tư và tiêu dùng. Nếu thúc đẩy được điều này và giải phóng được trí tuệ và nguồn lực từ trong người dân sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới. VPBank tin tưởng và thấy rằng Chính phủ đang đi hướng theo chiều đó.

Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, một trong 4 động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang vận hành rất tốt và đang dẫn dắt nền kinh tế trong năm 2014. Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đây sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong năm 2015.

Ông Mại kỳ vọng làm sao để động lực tăng trưởng này cùng với 3 động lực còn lại hợp lực phát triển với tốc độ nhanh, hiệu quả kinh tế - xã hội cao theo hướng bền vững. Kỳ vọng này có thể sẽ trở thành hiện thực trong dài hạn, khi Việt Nam tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI, dự kiến vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam.

“Tôi tin rằng sắp tới có một làn sóng mới về làn sóng FDI, chúng ta có hai làn sóng về FDI, từ 1991-1997 từ chỗ chỉ thu hút 1 tỷ USD chúng ta đã thu hút vốn thực hiện vào năm 1997 là 3,2 tỷ USD. Sau đó chúng ta có một làn sóng FDI thứ 2 từ năm 2005 cho đến 2008, đỉnh cao nhất năm 2008 là 772 tỷ USD vốn đăng ký, vốn thực hiện tăng từ 5 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Hiện nay chúng ta đang có một xu hướng mới, lần này không phải là những FDI bình thường mà là những làn sóng hàng đầu thế giới đang chuyển dịch vào Việt Nam từ Trung Quốc và những nước xung quanh chúng ta”, GS. Nguyễn Mại nói.

Bên cạnh những triển vọng tích cực của nền kinh tế năm 2015, đại diện Quỹ tiền tệ thế giới, ông Sanjay Klara cũng chỉ ra những bất ổn có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam đó là tình trạng nợ công. Để khắc phục tình trạng này, ông Sanjay Klara cho rằng, ngân hàng Trung ương cần hỗ trợ nhiều chính sách, cần phải có nhiều giải pháp dài hạn để giảm nợ công. Cùng với đó cải cách nền kinh tế, cải thiện năng suất, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững, ổn định.