Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tăng trưởng kinh tế năm 2019 có thể đạt 7%

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9 - 7%, là mức cao nhất trong 10 năm qua; dự báo năm 2019, GDP có thể tăng 7%” - đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2018 do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tổ chức ngày 20/12.

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
GDP cao nhất trong 10 năm

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của UBGSTCQG cho thấy, năm 2018, kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao 3,7%.
“Tôi có niềm tin năm 2019 đồng USD sẽ không tăng giá nữa. Vì trong năm 2018, FED đã tăng lãi suất đến 4 lần. Chính sách vĩ mô của Việt Nam cần tham khảo để có hướng điều hành thích hợp”.

Quyền Chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước
Chiến tranh thương mại đã làm cho khối lượng thương mại toàn cầu giảm mạnh năm 2018 chỉ còn 4,2% và năm 2019 dự kiến chỉ tăng 4%. Bên cạnh đó, việc giá dầu thô bình quân tăng trong năm qua cũng khiến lạm phát toàn cầu tăng 3,78%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Theo Quyền Chủ tịch UBGSTCQG Trương Văn Phước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9 - 7%, mức cao nhất trong 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm thủy sản tăng trưởng tốt. Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ.

Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo tiến độ do thu đạt khá, trong khi chi NSNN được kiểm soát, cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực, nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% (năm 2017 là 62,6%; năm 2016 là 63,6%) do tăng trưởng kinh tế khả quan. Bên cạnh đó, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7% năm, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực DN và tổ chức tín dụng tăng mạnh.

Cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên ổn định tài chính

Theo nhóm nghiên cứu của UBGSTCQG, năm 2019 nền kinh tế sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ từ tình hình quốc tế như hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác… Các bất lợi mà nền kinh tế có thể sẽ chịu tác động là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu.

UBGSTCQG dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nếu môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. “Kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế” - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát Đặng Ngọc Tú khuyến cáo. Ngoài ra. ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách năm 2019 trước những biến động của tình hình kinh tế thế giới.

Về lạm phát, năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.

“Tăng trưởng tín dụng xuống dưới 15% trong khi GDP lại tăng cao nhất 10 năm trở lại đây - là xu hướng tích cực của năm 2018. Cuối năm 2018 và năm 2019, việc FED điều chỉnh lãi suất, đồng Nhân dân tệ mất giá chắc chắn sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Vì thế, một chính sách tỷ giá linh hoạt, không chỉ gắn chặt với đồng USD là một gợi ý trong điều hành tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và không ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN và nền kinh tế”.

Giám đốc Phát triển - trường ĐH Fulllbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành