Theo Bộ NN&PTNT, 9 tháng đầu năm 2019, ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhờ vậy, 9 tháng đầu năm toàn ngành đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao.
Toàn ngành duy trì tăng trưởng khá đạt 2,02%, đã góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước; trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%. Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng, như: Thịt trâu đạt 70,5 nghìn tấn, tăng 3,1%; thịt bò đạt 264,9 nghìn tấn, tăng 4,2%; thịt gia cầm đạt 931,4 nghìn tấn, tăng 13,5%; trứng đạt 9,2 tỷ quả, tăng 10,0%; sữa tăng 9,3%,...
Trong bối cảnh khó khăn về thị trưởng, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với với cùng kỳ năm 2018; trong đó giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt 7,93 tỷ USD, tăng 18%; đặc biệt có 6 nhóm/sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD, gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ (7,5 tỷ USD, tăng 16,8% và triển vọng sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019.); cà phê (2,1 tỷ USD, giảm 21,8%), gạo (gần 2,24 tỷ USD, giảm 9,8%), hạt điều (2,4 tỷ USD, giảm 5,4%), rau, quả (2,15 tỷ USD, giảm 4,3%), tôm (2,4 tỷ USD, giảm 8,0%). Thặng dư thương mại đạt 6,86 tỷ USD, cao hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, toàn ngành đang tập trung chỉ đạo công tác chăm sóc, thu hoạch lúa Hè thu, Thu đông, Mùa tại các tỉnh phía Nam; chỉ đạo thu hoạch lúa Mùa, gieo cấy cây vụ Đông 2019 tại các tỉnh phía Bắc.
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi, tai xanh, lở mồm long móng; tăng cường chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại trên đàn lợn. Hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch và có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; chỉ đạo đẩy nhanh quy mô sản xuất và tăng trưởng chăn nuôi gia cầm và gia súc ăn cỏ.
Bộ NN&PTNT cung sẽ tiếp tục theo dõi, bám sát cung, cầu sản phẩm chăn nuôi, chỉ đạo sát phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là trong dịp Tết,..; hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về chuỗi sản xuất thịt lợn, thịt gà an toàn dịch bệnh và triển khai giải pháp nhằm hạn chế tăng giá thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu vật tư đầu vào cho sản xuất.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để lấy lại “thẻ xanh” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững. Nâng cao chất lượng khai thác; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để khai thác hải sản, đảm bảo gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.