Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo bối cảnh cháy nổ cho phim Việt: Thủ công và lạc hậu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lâu nay, những lời phàn nàn từ các phim trường Việt đã cho thấy sự thiếu thốn, tằn tiện, nhiều khi chắp vá nơi hậu trường làm phim, đặc biệt là về đạo cụ giúp cho việc tạo dựng bối cảnh.

Song, khi vụ nổ ở TP Hồ Chí Minh mới đây làm 11 người chết tại nhà của chuyên gia khói lửa Lê Minh Phương, người ta mới "mổ xẻ" và càng thấy rõ hơn sự thủ công, lạc hậu của khâu không kém phần quan trọng trong quy trình làm phim ở Việt Nam.
 
Thiếu từ A đến Z
 
Nói như Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải: "Riêng chuyện quay cảnh khói lửa hay việc tạo hiệu ứng, kỹ xảo cho phim chiến tranh, phim hành động của chúng ta nói chung còn thiếu từ A đến Z".
 
Cái thiếu cốt yếu nhất chính là con người để tạo dựng, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào làm phim. Hiện tại, đội ngũ chuyên gia khói lửa tạo được niềm tin cho đạo diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
 
 
Tạo bối cảnh cháy nổ cho phim Việt: Thủ công và lạc hậu - Ảnh 1
 
Cảnh cháy nổ trong bộ phim Tây Sơn hào kiệt.
 
 
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: Trước đây, những chuyên gia khói lửa ở các xưởng phim của Nhà nước đều được đào tạo riêng, có người được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Họ có chuyên môn và biết cách thực hiện công việc này một cách có hiệu quả và an toàn nhất. Nhưng đã lâu rồi, không ai nghĩ đến chuyện đào tạo nghề này nữa. Công việc này hoàn toàn phó thác cho thị trường. 
 
Trên thực tế, tất cả các trường, trung tâm đào tạo làm phim hiện tại không có ngành đào tạo nhân viên khói lửa. Vì vậy, việc chọn người thực hiện nhiệm vụ này vẫn là điều làm đau đầu các đạo diễn hiện nay. 
Đạo diễn Minh Cao cho biết: "Khi quay cảnh khói lửa, tôi thường phải mời các nhân viên của các hãng phim thực hiện những cảnh đơn giản.
 
Còn những cảnh dữ dội, để bảo đảm an toàn, tôi thường mời trường Sĩ quan Công binh hoặc Quân đoàn 4 thực hiện". Cũng vì thế, hầu hết diễn viên đều "ngại" đóng cảnh khói lửa. Quen với phim hành động như Johnny Trí Nguyễn còn thận trọng: "Công việc thực hiện những cảnh cháy nổ ở Việt Nam hiện nay rất không an toàn dù mọi người đều cố gắng cẩn thận ở mức độ cao nhất". 
 
Diễn viên Võ Hoài Nam, một gương mặt của nhiều pha diễn mạo hiểm trong series phim "Cảnh sát hình sự", cho hay: "Ngay cả khi được làm việc với những chuyên gia khói lửa hàng đầu vẫn rất nguy hiểm. Nếu diễn viên vì diễn xuất mà lơ đãng hoặc mất bình tĩnh, không tuân thủ khoảng cách đã quy định cũng dễ bị thương". 
 
Vì sao?
 
Nhiều người trong nghề nói rằng, muốn có những hình ảnh chân thực như cảnh diễn viên Thanh Hằng bay vào hàng rào và vật nhọn đâm xuyên qua người trong "Nụ hôn thần chết" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) hoặc cảnh cháy nổ xe chắc chắn phải dùng kỹ thuật 3D để dựng.
 
Tuy nhiên, điện ảnh Việt vẫn chưa áp dụng nhiều công nghệ này, vì có ít người giỏi, chi phí đắt. Chẳng hạn, để thực hiện một cảnh nổ trên núi, rồi đá ào ào lăn xuống, nếu cho nổ thật tốn khoảng 1,5 triệu đồng (cho 4 giây) trong khi dựng 3D phải mất khoảng 5 triệu đồng. 
 
Công nghệ tạo hiệu ứng khói lửa cho phim ta hiện còn rất sơ khai. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: Khi cộng tác với đoàn làm phim "Người Mỹ trầm lặng", họ tạo hiệu quả cảnh khói lửa bằng khí gas là chính chứ không phải bằng chất nổ có sức công phá mạnh như ta. 
 
Cảnh cháy nổ trong phim được tính toán kỹ đến từng chi tiết: Tháo các cửa xe, cột vào dây cáp để khi nổ chỉ văng trong bán kính được tính toán sẵn, đặt kíp nổ trong xe theo hướng nào… "Muốn giảm thiểu tai nạn, chúng ta cần học hỏi cách làm của họ" - đạo diễn Đặng Nhật Minh nhấn mạnh.  
 
Hơn nữa, chính từ vụ việc của chuyên gia khói lửa Lê Minh Phương, người ta cũng nhận ra rằng, mặc dù việc xét, cấp chất cháy nổ cho các đoàn làm phim khá chặt chẽ, nhưng lại có một lỗ hổng trong quá trình làm phim. 
 
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cho biết, với những phim có cảnh khói lửa, đặc biệt là phim chiến tranh, khi bắt đầu triển khai dự án, đơn vị làm phim phải có đơn đề xuất Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam để cơ quan này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cấp thuốc nổ. 
 
Đoàn làm phim phải kê ra cụ thể cần bao nhiêu cảnh có thuốc nổ, nhu cầu khối lượng bao nhiêu, bên quân đội sẽ dựa theo đó mà cấp. Ngoài thuốc nổ còn là các thiết bị khác gắn với nó như ngòi nổ, dây nối… 
Khi làm phim, đoàn phim quay ở vùng nào thì lấy chất nổ ở nơi đấy. Dùng không hết phải hủy số còn lại, không vận chuyển sang khu vực khác. Nhưng vì không ai kiểm tra, giám sát nên ông Phương "khói lửa" đã có thể mang chất gây nổ về "tư gia".
 
 
"Điều kiện làm phim còn thiếu thốn, với những đạo cụ thô sơ, đôi khi xảy ra tai nạn cháy nổ là không thể tránh khỏi. Để hạn chế thương vong, cần phải tính toán từng chi tiết khi thực hiện cảnh quay. Bên cạnh đó, để có những hình ảnh khói lửa chân thực, tạo được ấn tượng cho người xem, chúng ta cần pha trộn cảnh quay thật và dựng 3D trên vi tính. Đây là phương án được dùng nhiều trên thế giới và là đích đến điện ảnh Việt cần vươn tới".
 
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải