Chất lượng đào tạo chưa phù hợp
Trong những năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề cho thanh niên được coi là một trong những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, từng bước thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này. Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho thanh niên đã có những bước chuyển biến tích cực, một bộ phận không nhỏ thanh niên đã nhận thức được vấn đề học nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Nhưng mặt khác, công tác đào tạo nghề cho thanh niên tại nhiều địa phương vẫn còn vướng phải không ít khó khăn và bất cập cần được giải quyết. Cơ cấu đào tạo theo theo trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo thống kê, hiện, tỷ lệ lao động có trình độ CĐ và ĐH ở nước ta chiếm khoảng 6,5% trên tổng số 51 triệu người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ này khá thấp so với tỷ lệ trung bình của các quốc gia phát triển (khoảng 25-30%).
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
|
Điều đáng ngại của nước ta là trong 51 triệu người ở độ tuổi lao động thì chỉ có khoảng 17% được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư). Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Ngọc Vinh cho biết: “Chúng ta đang phải đứng trước hai thách thức lớn là vừa phải phát triển giáo dục ĐH để tăng tốc quá trình công nghiệp hóa, vừa phải đào tạo kỹ năng cho người lao động trong điều kiện nguồn lực hạn chế và việc làm còn thiếu thốn, cơ cấu hệ thống giáo dục đào tạo còn phức tạp, thiếu hội nhập.”
Nhu cầu học ĐH là nhu cầu chính đáng của mọi người. Tuy nhiên vẫn cần một nền giáo dục ĐH có chất lượng thì mới đáp ứng được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hiện nay. “Chúng ta cần chuyển mạnh đào tạo ĐH từ chú trọng về phát triển quy mô sang tập trung nâng cao chất lượng, phát triển quy mô hợp lý, hài hòa với giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu, cung cấp thông tin để định hướng, hướng nghiệp rất quan trọng. Nếu tăng cường tự chủ ĐH mà thiếu cơ chế kiểm soát chất lượng và giải trình trách nhiệm; thiếu hệ thống thông tin dự báo thì sẽ tiếp tục gây ra việc mất cân đối về cơ cấu trình độ và ngành đào tạo.” – Vụ trưởng khẳng định.
Thiếu sự kết nối
Vấn đề lao động luôn là để tài nhận được sự quan tâm chú ý không chỉ của những doanh nghiệp mà còn của toàn xã hội. Một thực tế cho thấy, các doanh nghiệp trong nước vẫn đau đầu khi không tìm đủ nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao. Bên cạnh đó, cứ mỗi năm lại có thêm hơn một triệu người bước vào độ tuổi lao động, cùng với số lượng thất nghiệp ở thành thị và nông thôn đã tạo sức ép lớn về nhu cầu việc làm.
Bạn Đỗ Quỳnh Mai - Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp chia sẻ: Dù đã tốt nghiệp được hai năm, nhưng đến giờ tôi vẫn chỉ làm những công việc bán thời gian, thu nhập một tháng may ra đủ chi trả tiền thuê nhà, điện, nước… Tôi đã tìm đến nhiều trung tâm tìm kiếm việc làm, song các công việc thường không phù hợp với chuyên ngành đã học, hoặc là điều kiện nhà tuyển dụng đưa ra quá cao.
Đây là một bất cập trong công tác đào tạo nghề đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo cần khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể là yêu cầu các cơ sở dạy nghề thành lập bộ phận chức năng có nhiệm vụ liên kết với doanh nghiệp và thị trường lao động. Chuyển dần từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, chuyển đào tạo từ năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động.
Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức thí điểm dạy nghề theo hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ dạy nghề đối với cơ sở dạy nghề đáp ứng được các yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp đang sử dụng dây chuyền sản xuất nên yêu cầu sử dụng cho một công đoạn của dây chuyền thì cũng cần phải bồi dưỡng để người lao động tiếp cận để làm việc trong dây chuyền. Đây là vấn đề được Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Văn Tiến trao đổi trong buổi giao lưu trực tuyến hướng nghiệp cho thanh niên.
Ngoài ra, hiện nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án của Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ tư vấn, định hướng việc chọn nghề, giới thiệu các nghề, các cơ sở đào tạo nghề có uy tín đối với thanh niên.
Phó trưởng Ban thanh niên Công nhân và đô thị - T.Ư Đoàn Ngọ Văn Khuyến cho biết: “Bên cạnh đó, hệ thống 38 Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tại 32 tỉnh, thành phố cũng đã và đang tham gia dạy nghề trực tiếp cho các bạn với quy mô hàng năm khoảng trên 15.000 người”.