Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 1/8, TP Hà Nội đã sơ kết việc thực hiện chương trình "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015" theo Nghị quyết 04 - CT/TU của Thành ủy Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2012.

Vẫn gặp khó

Do những biến động xã hội, văn hoá Hà Nội luôn có những đổi thay với đủ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó, bối cảnh xã hội đã và đang có nhiều tác động tiêu cực đến truyền thống văn hoá của người Hà Nội. Cụ thể, những tác động của kinh tế thị trường, đô thị hoá, gia tăng dân số cơ giới. Những biến đổi đó tác động đến hành vi của từng cá nhân, gia đình. Từ nhiều năm nay, chuyện "đèn nhà ai, nhà ấy rạng" trở thành phổ biến, chuyện miệt thị "người nhà quê" không phải là hiếm… Đây là những thách thức trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

“Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh sẽ là nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện chương trình số 04 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.”- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Phải nói rằng, Hà Nội đã nỗ lực không ngừng để xây dựng văn minh, thanh lịch, nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: "Trong khi lĩnh vực văn hoá vật thể có những thành tựu nhất định thì lĩnh vực văn hoá tinh thần vẫn còn nhiều hạn chế. Từ lâu, thành phố đã có những hoạt động nhằm xây dựng văn hoá người Hà Nội, nhưng việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa có sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân".

Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến đánh giá: "Hầu hết các địa phương, đơn vị đều đã cụ thể hóa nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thành những mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù riêng. Nhưng 6 tháng đầu năm 2012, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh còn nhiều lúng túng, mới chủ yếu dừng ở khâu tuyên truyền, thiếu những phong trào và cách làm thiết thực, hiệu quả. Vì thế, mục tiêu mỗi công dân sống trên địa bàn Thủ đô đều trở thành những công dân tiêu biểu vẫn là bài toán khó giải".

Cần sự chung sức

Mong muốn thực hiện tốt chương trình số 04 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, rất nhiều giải pháp đã được các lãnh đạo thành phố và đại biểu đưa ra. Trong đó, để đạt mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội cần định hướng và khẳng định các giá trị văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, quan hệ xã hội giàu tính nhân văn giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng; thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tôn trọng kỷ cương, có nếp sống, hành vi, ứng xử văn hóa.

Mặt khác, cần tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống văn hóa và con người Thủ đô. Không những thế, cần phải gắn các hoạt động phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Người tốt - Việc tốt", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở" và phong trào "Xây dựng nông thôn mới"…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Tưởng Phi Chiến khẳng định: Đây là nhiệm vụ khó khăn không thể thực hiện trong một vài năm, và cần sự nỗ lực của tất cả người dân Thủ đô.