Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Thường trực HĐND TP Hà Nội khóa XV tiến hành Phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP trong sáng 15/3/2018. Phiên giải trình được trực tuyến tại 30 điểm cầu các quận, huyện, thị xã.
|
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại phiên giải trình |
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, căn cứ Điều 2 và Điều 72 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 đã quy định: Giải trình là hoạt động giám sát của Thường trực HĐND Thành phố giữa hai kỳ họp. Giải trình là việc cơ quan, cá nhân hữu quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát (bao gồm HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND).
Căn cứ vào chương trình giám sát, Thường trực HĐND yêu cầu thành viên của UBND cùng cấp giải trình và cá nhân có liên quan tham gia giải trình vấn đề mà Thường trực Hội đồng nhân dân quan tâm. Việc tổ chức giải trình, nội dung, kế hoạch tổ chức giải trình và người được yêu cầu giải trình do Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định.
Trong phiên họp Thường trực HĐND Thành phố lần này, Thường trực HĐND Thành phố lựa chọn một nội dung trong chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đó là việc thực hiện Quy tắc ứng xử của các bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và một nội dung về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội để yêu cầu UBND Thành phố và các cơ quan liên quan giải trình.
Về lý do tổ chức phiên giải trình lần này, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa; là biểu tượng của đất nước trong mở rộng quan hệ đối ngoại, là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc; để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng của Thủ đô cũng như của cả nước là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
Trước yêu cầu đó, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 15 và 16, nội dung phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đều được đưa thành 1 chương trình riêng trong 8 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn Thành phố.
Có thể thấy nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai qua nhiều thời kỳ và có nhiều giải pháp thực hiện, đặc biệt ngay đầu nhiệm kỳ này UBND Thành phố đã ban hành bộ quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử của các bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng) nhằm tạo ra bước đột phá trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà cán bộ, công chức, viên chức phải đi đầu, gương mẫu. Tuy nhiên đến nay kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn: vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân gây bức xúc trong dư luận; tình trạng bạo lực gia đình, ứng xử thiếu văn minh, văn hóa, vô cảm, mê tính dị đoan tại các lễ hội vẫn còn tồn tại…
Về lý do thứ 2, Chủ tịch HĐND TP cho biết, qua các cuộc giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, hơn 40% ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Rất nhiều cử tri tâm huyết và trăn trở với việc gìn giữ và phát triển những nét văn hóa đậm đà, thanh lịch không thể lẫn với nơi đâu của người Hà Nội để xứng đáng với một Thủ đô bề dày nghìn năm văn hiến. Người dân Thủ đô rất mong muốn HĐND giám sát, chất vấn chuyên đề này.
Theo Chủ tịch HĐND, những lý do trên đặt ra cho Thường trực HĐND Thành phố lựa chọn nôi dung giải trình cụ thể về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử của Thành phố và công tác quản lý lễ hội với mục đích làm rõ những tồn tại, nguyên nhân và xác định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan và người dân Thành phố trong việc thực hiện các nội dung trên, đồng thời đề xuất lộ trình khắc phục những hạn chế nhằm tạo ra sự chuyển biến và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là toàn thể nhân dân Thủ đô trong việc phát triển văn - hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tương xứng với vị thế của Thủ đô.
Để chuẩn bị cho phiên giải trình và để đảm bảo chất lượng, sự đổi mới trong hoạt động của HĐND theo hướng: hiệu quả, giải quyết tận gốc của tồn tại, khó khăn, Thường trực HĐND Thành phố đã giao UBND Thành phố và các cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng báo cáo kết quả thực hiện; đồng thời giao các Ban của HĐND Thành phố tổ chức khảo sát thực trạng việc triển khai thực hiện các nội dung trong các Quy tắc ứng cử nói trên.
Trên cơ sở tổng hợp từ báo cáo của UBND Thành phố, sở Văn hóa Thể thao và 28/30 quận, huyện, thị xã (02 đơn vị không gửi báo cáo là Thạch Thất và Phú Xuyên); Thường trực HĐND Thành phố xây dựng một video clip thay báo cáo nhằm cung cấp cho các vị đại biểu dự họp về những kết quả cũng như tồn tại trong lĩnh vực mà HĐND lựa chọn để đông đảo cử tri cùng tham gia theo dõi và đại biểu tham gia đặt yêu cầu giải trình. Những hình ảnh được nêu ra ở đây dù cho là hiện tượng nhỏ trong cán bộ, công chức, viên chức và người dân; song nó làm xấu đi hình ảnh người Hà Nội nói chung và người cán bộ, công chức nói riêng.
Căn cứ kết quả giải trình của các sở, ngành, quận, huyện và phương hướng, lộ trình, giải pháp; Thường trực HĐND Thành phố sẽ xem xét, biểu quyết, thông qua kết luận phiên giải trình và tổ chức giám sát việc tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong thực hiện các Quy tắc ứng xử của Thành phố; tạo sự vào cuộc đồng bộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc; góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn, phát triển bền vững và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô.