Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo cộng đồng thân thiện với người tự kỷ

Bình An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông điệp của các đại biểu tham gia hưởng ứng Đại hội thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ lần 2, nhân kỷ niệm “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” diễn ra ngày 2/4, tại TP Hồ Chí Minh.

Từ năm 2008, ngày 2/4 đã được Liên Hiệp Quốc chọn là “Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ” với mục đích khuyến cáo các quốc gia tăng cường sự quan tâm đến người bị mắc hội chứng này. 
Theo chuyên trang của Liên Hiệp Quốc về tự kỷ: “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội; khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần”.

Vào ngày này hàng năm, tại Việt Nam và các quốc gia khác trên khắp thế giới đều có các hoạt động vì người tự kỷ.

Năm 2016, lần đầu tiên Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (Van), Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (Vfd), Mạng lưới Tự kỷ Asean (Aan), Tổ chức Phát triển Khuyết tật Châu Á Thái Bình Dương (Apcd) và nhiều tổ chức liên kết khác đã tổ chức “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ” tại Hà Nội đã đã thu hút đông đảo người dân tham gia, gây được sự chú ý của cộng đồng xã hội.

Theo bà Lê Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội): “Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển tồn tại cả đời, thường xuất hiện trong ba năm đầu đời do rối loạn hệ thần kinh theo đó ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, xảy ra với trẻ em ở tất cả các quốc gia trên thế giới, bất kể giới tính, chủng tộc, điều kiện kinh tế”.

“Do đó, cộng đồng xã hội cần nhận thức đúng về tự kỷ, mở lòng, tạo cơ hội và hỗ trợ đúng cách để người tự kỷ được sống bình đẳng, phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội. Dựa trên cơ sở việc chẩn đoán sớm, nghiên cứu và can thiệp thích hợp có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển và cuộc sống của trẻ em mắc chứng bệnh này”, bà Lê Kim Dung, cho biết thêm.

Tại Việt Nam, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (Van) là tổ chức của cha mẹ, gia đình người tự kỷ, bản thân người tự kỷ, các tổ chức, cá nhân quan tâm và có những hoạt động liên quan đến người tự kỷ. Van được thành lập ngày 30/8/2013, trực thuộc Liên Hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam. Van là thành viên của Mạng lưới Tự kỷ Asean (Asean Autism Network - Aan) đã nhận được sự quan tâm lớn của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hộ. Van có các hoạt động chính, như: Nâng cao năng lực phụ huynh có con tự kỷ và năng lực người tự kỷ, truyền thông thay đổi nhận thức cộng đồng về tự kỷ, vận động chính sách, liên kết thực hiện các chương trình, các hoạt động, dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng tự kỷ.

Cho đến nay khoa học thế giới chưa khẳng định chữa khỏi được chứng tự kỷ. Nhưng người tự kỷ được can thiệp đúng cách có thể tiến bộ nhiều so với tình trạng tự kỷ của người đó. Trong đó, cần thận trọng trong phương pháp can thiệp tự kỷ. Cần tham khảo những nhà chuyên môn và những nguồn thông tin uy tín về vấn đề này. Ngoài ra, khoa học đã khẳng định cách nuôi dạy của cha mẹ không phải nguyên nhân của chứng tự kỷ đối với con cái.