“Tạo cốt” nhưng phải giữ được “hồn” trong xây dựng nông thôn mới

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025. Theo Bộ trưởng NT&PTNT Lê Minh Hoan, Chương trình lần này có điểm mới nhấn mạnh truyền thống văn hoá lịch sử của địa phương.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng. Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu được giao; đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; Có 193 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM (chiếm 29%); Có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…
Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập cũng được chỉ ra khi tư duy ngành nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng mà chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến thực hiện tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
Về điểm mới của Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), trong đó, tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững. Phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM kiểu mẫu.
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế xã hội nông thôn. Nâng cao năng lực của cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cấp huyện phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao và huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…
Cùng với đó phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do cấp tỉnh quy định.
Liên quan đến vốn đầu tư, đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2021-2025 cần bố trí 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách T.Ư dự kiến sẽ bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng, bằng 62,7% số vốn dành cho Chương trình trong giai đoạn 2016-2020. 
Chính phủ đã xác định, tổng vốn ngân sách T.Ư của Chương trình sẽ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia là 39.632 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của ngân sách T.Ư, Chính phủ dự kiến, vốn ngân sách địa phương khoảng 302.000 tỷ đồng (chiếm 11,6%); vốn lồng ghép từ hai chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 224.080 tỷ đồng (chiếm 8,6%); vốn tín dụng khoảng 1.790.000 tỷ đồng (chiếm 68,8%); vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khá khoảng 115.800 tỷ đồng (chiếm 4,5%). Và, huy động đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư (tiền bạc, ngày công, đóng góp vật liệu xây dựng…) khoảng 130.800 tỷ đồng (chiếm 5%).
 Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần gìn giữ văn hoá làng xã khi xây dựng NTM (Ảnh: Một góc làng quê tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong phiên họp sáng nay, khi cho ý kiến về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội dành 30.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện Chương trình, vốn sự nghiệp là 9.632 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành cần tiếp tục cân đối ngân sách T.Ư và các nguồn lực, nếu xuất hiện nguồn tăng thu và các nguồn khác thì ưu tiên bố trí bởi đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, số vốn 30.000 tỷ đồng so với quy mô và suất đầu tư của chương trình như vậy là tương đối thấp, còn hạn chế.
Góp ý vào nội dung Chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chỗ nào có địa bàn nông thôn thì phải “làm mới”, không phân biệt nơi khó khăn cũng như thuận lợi mà đều phải xây dựng NTM. Tương tự về giảm nghèo thì ở đâu nghèo là làm ở đó, không chỉ các xã bãi ngang.
Nhấn mạnh không phải giảm bớt tiêu chí mà cần phân cấp để cụ thể hoá, sát hợp với địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, tới đây cũng phải rà soát lại và thực hiện theo hướng này. Ví dụ trường chuẩn quốc gia mà yêu cầu miền núi như ở Thủ đô thì có hợp lý không? Đô thị cũng có nhiều loại khác nhau, quận ở Hà Nội tư duy khác việc duy trì làng trong phố hay phố trong làng. Do đó cần phân cấp cho địa phương làm quy hoạch.
Một số ý kiến đề cập đến hiện tượng “bê tông hoá nông thôn nhiều quá” mà chưa quan tâm đúng mức về bảo tồn gìn giữ văn hoá làng xã. Nên chăng có chuyên đề riêng, nghiên cứu làm sao giữ gìn bản sắc văn hoá nông thôn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho rằng, đô thị hoá cũng có hai mặt, song quan điểm của ông là xây dựng NTM là “tạo cốt” nhưng phải giữ được “hồn”, bản sắc văn hoá nông thôn. Chương trình lần này có điểm mới nhấn mạnh truyền thống văn hoá lịch sử của địa phương.