Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác) là thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.
Những năm vừa qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, từng bước khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài; nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; từng bước khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế quốc dân. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội nhưng cả nước vẫn thành lập mới 1014 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác. Đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% hợp tác xã), thu nhập của người lao động trong hợp tác xã được cải thiện.
Hệ thống Liên minh Hợp tác xã (bao gồm Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và cấp tỉnh) đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Tuy vậy, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỉ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực; công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn một số bất cập…
Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam hoạt động còn nhiều khó khăn, vướng mắc; tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý chưa thống nhất, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn...
Tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX
Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã yêu cầu trong thời gian tới các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới. Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thuờng xuyên của các Bộ, cơ quan, địa phương.
Đồng thời, tập trung thực hiện tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó, nghiên cứu, đề xuất những quy định mở rộng quyền của tổ hợp tác để phát huy vai trò tự chủ của tổ hợp tác và tạo động lực cho tổ hợp tác phát triển, hoạt động có hiệu quả; cùng các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tiếp cận vốn, tổ chức sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các quy định của pháp luật về tăng cường quyền của các xã viên hợp tác xã trong việc tham gia góp vốn để tạo động lực cho việc quản lý, hoạt động của hợp tác xã thực sự hiệu quả.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về kinh tế tập thể, hợp tác xã; chú trọng phát triển các cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã; nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã và cán bộ của hệ thống Liên minh Hợp tác xã.
Đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Đối với hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu đổi mới tổ chức hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; gắn hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Đồng thời, tổng kết các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả để nhân rộng; đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã hằng năm, tham gia xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng kế hoạch và làm việc với các Bộ, ngành liên quan để tham gia và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã; chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ các đề án triển khai trong năm 2020./.