Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động

Chia sẻ Zalo

KTDDT - Cuộc họp lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 14 về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải và Thông tư 24 về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ GTVT tổ chức mới đây, nhiều quy định đã được đưa ra "mổ xẻ" trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp vận tải và người dân.

Quy định tiêu chí các điểm đón trả khách dọc đường

Liên quan đến một số nội dung có quan điểm khác biệt, chẳng hạn như quy định tại khoản 1, Điều 9 về các tiêu chí của điểm dừng đón, trả khách dọc trên hành trình tuyến vận tải hành khách cố định, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, chỉ nên quy định nguyên tắc chung, đó là "đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên xuống xe và có đủ diện tích để xe dừng đón, trả khách bảo đảm không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường". Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, các tiêu chí chi tiết, mang tính kỹ thuật sẽ do địa phương, đơn vị thiết kế và cơ quan phê duyệt dự án quyết định để đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể trong thực tế.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động - Ảnh 1

Công tác quản lý cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải hoạt động hiệu quả hơn. Trong ảnh: Hoạt động tại bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Hùng Việt

Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng: Việc quy định đầy đủ và rõ ràng về các tiêu chí sẽ giúp địa phương chỉ tổ chức điểm dừng, đón trả khách tại những nơi đủ điều kiện, không làm phát sinh quá nhiều điểm dừng đón, trả khách dọc hành trình gây mất trật tự ATGT trong hoạt động vận tải và những hệ lụy khác về trật tự ATGT. Thậm chí cần thông báo tên tuyến và số hiệu tuyến đăng ký đón trả khách tại các điểm dừng đón, trả khách (giống như điểm dừng xe buýt) để người dân biết thông tin, đến đón được đúng xe, đúng tuyến cần đi. Đồng thời làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát và xử lý những hiện tượng tranh giành đón khách và đặc biệt là những xe "dù" đón, trả khách tại điểm dừng.

Hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp

Với các tuyến đường mới xây dựng hoặc được nâng cấp, mở rộng thì cần có thiết kế vị trí dừng đón, trả khách. Còn với tuyến đường cũ, Sở GTVT phải tham mưu cho tỉnh, TP cắm biển điểm dừng đón, trả khách vì nếu những nơi này cũng yêu cầu có thiết kế sẽ không khả thi.Bà Phạm Thị PhượngPhó Chánh văn phòng Bộ GTVT

Một vấn đề khác cũng có những ý kiến trái chiều là việc đưa ra yêu cầu: "Đơn vị kinh doanh vận tải cần xây dựng phương án khai thác tuyến bao gồm cả việc xác định và đăng ký các điểm dừng, đón trả khách dọc đường" (quy định tại phụ lục 12 trong Dự thảo). Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng không nên quy định nội dung này, vì nếu đã đăng ký thì sau khi được phê duyệt, đơn vị vận tải bắt buộc  dừng đón, trả khách tại những điểm đã đăng ký. Điều này là không phù hợp với thực tế và có thể gây khó khăn cho đơn vị vận tải cũng như hành khách đi xe. Trong khi đó, Vụ Vận tải lại cho rằng, việc đăng ký và được chấp thuận dừng đón, trả khách dọc đường tại các vị trí do Sở GTVT quy định sẽ là cơ sở pháp lý để các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện đón, trả khách và là cơ sở để chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý xe dù, bến cóc trên tuyến.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Tổng cục Đường bộ và Vụ Vận tải cần tiếp thu ý kiến của Hiệp hội Vận tải và người dân để đưa ra giải pháp tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp do hệ thống các quy định hiện hành. Phải chắc chắn, những quy định này không làm phát sinh chi phí mới cho doanh nghiệp và phải xác định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm. "Đưa ra quy định phải hài hòa và quan trọng nhất là xem có thực thi được không" - Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.