Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo đột phá trong kiểm soát thủ tục hành chính

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân, ngành Tư pháp Hà Nội đã và đang phối hợp với các ngành đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết, nhất là các việc liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân.

Tạo thuận lợi tối đa cho người dân
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam cho hay, với tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), lấy người dân là trung tâm, trong những năm qua, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành có liên quan triển khai các nhiệm vụ, đơn giản hóa các TTHC ngành Tư pháp. TTHC của ngành Tư pháp (từ cấp TP cho đến cơ sở) thường liên quan đến người dân hàng ngày, như: Đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn, yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp…
 Người dân thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa Sở Tư pháp Hà Nội. Ảnh: Thái San
Liên quan đến giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch, ông Lã Hoàng Hưng - Phó Trưởng phòng Hành chính - Tư pháp (Sở Tư pháp) cho hay, trong 3 năm qua, Phòng Tư pháp 30 quận, huyện, thị xã và UBND 584 xã, phường, thị trấn đã giải quyết hơn 600.000 hồ sơ (trong đó hơn 300.000 hồ sơ đăng ký khai sinh, hơn 100.000 hồ sơ đăng ký khai tử, hơn 200.000 hồ sơ đăng ký kết hôn). Trong đó, hơn 90% hồ sơ giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4.
“Thông thường, để thực hiện TTHC, người dân thường phải đến 3 lần: lần 1 đến tìm hiểu về thủ tục, lần 2 đến nộp hồ sơ, lần 3 đến nhận kết quả. Về thuận lợi, từ năm 2016, Luật Hộ tịch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành được triển khai tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các TTHC. Nếu sử dụng DVCTT, người dân có thể tìm hiểu về thủ tục, nộp hồ sơ trực tuyến và chỉ phải đến cơ quan nhà nước 1 lần để nhận kết quả. Về xu hướng và thực tế, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi tham gia sử dụng DVCTT mức độ 3, 4” - ông Lã Hoàng Hưng chia sẻ.
Liên thông với các ngành
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tống Thị Thanh Nam, thời gian qua, nhiều TTHC của ngành Tư pháp liên quan đến việc giải quyết các TTHC của cơ quan khác. Do vậy, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên rà soát, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn giải quyết các TTHC của ngành, Sở Tư pháp đã chú trọng xây dựng TTHC liên thông với các ngành: LĐTB&XH; Công an, BHXH TP.
Cụ thể, TTHC liên thông: Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi được triển khai trên cơ sở Thông tư liên tịch số 05, tuy nhiên khi triển khai tại Hà Nội, ngành Tư pháp đã phối hợp cùng các ngành BHXH, Công an rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết.
Đặc biệt, khi triển khai DVCTT, các giấy tờ được cắt giảm, thời gian rút ngắn so với Thông tư 05 từ 18 - 20 ngày. TTHC liên thông cấp Phiếu lý lịch tư pháp - cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài đã được ngành Tư pháp phối hợp với Sở LĐTB&XH triển khai thực hiện từ tháng 7/2018. Nếu thực hiện TTHC độc lập, các cơ quan phải giải quyết trong thời gian 20 ngày làm việc, tuy nhiên, việc liên thông TTHC đã giảm thời gian giải quyết xuống còn 11 ngày làm việc.
TTHC liên thông Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hưởng chế độ tử tuất/ hỗ trợ chi phí mai táng phí/ hưởng mai táng phí được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018. Với tinh thần lấy người dân là trung tâm, phục vụ, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành khảo sát, nghiên cứu và trình TP ban hành Quyết định số 4041/QĐ-UBND ngày 29/7/2019.
Theo đó, đã giảm thời gian giải quyết đến 17 ngày làm việc so với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, cụ thể hóa thành 15 quy trình liên thông, thời gian tối đa của từng cơ quan đơn vị, trách nhiệm của các cơ quan từ cấp xã, phường cho đến cấp TP…