Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo dựng thương hiệu Hà Nội - Việt Nam phục vụ phát triển kinh tế, thương mại quốc tế

Tin và ảnh: Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19, diễn ra ngày 12/8.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã tham luận về vấn đề "Công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài".
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, cùng với xu hướng toàn cầu hóa và yêu cầu đẩy mạnh hội nhập quốc tế chủ động và toàn diện, công tác đối ngoại, trong đó có đối ngoại kinh tế đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng giúp Hà Nội phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị. 
Năm 2018 đánh dấu công tác đối ngoại kinh tế tích cực
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong thời gian qua, công tác đối ngoại kinh tế của Hà Nội không ngừng được đẩy mạnh thông qua các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao TP với các Tập đoàn đa quốc gia, Công ty lớn trên thế giới; các chương trình hội nghị, hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch tại Hà Nội cũng như tại nhiều quốc gia trên thế giới; tăng cường giao lưu, hợp tác với các Thủ đô, TP lớn của các nước; thúc đẩy triển khai các hiệp định song phương, đa phương về lĩnh vực kinh tế, đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam vừa tham gia ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các trung tâm, đối tác kinh tế lớn trên thế giới.
“Năm 2018, tiếp tục đánh dấu những thành tựu của công tác đối ngoại phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ đô”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức và tham gia nhiều Hội nghị, Diễn đàn quan trọng như Diễn đàn DN Việt Nam - Hàn Quốc và Hội nghị trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản; Tọa đàm về quy hoạch đô thị và TP thông minh với các doanh nghiệp Thụy Điển; Giao lưu xúc tiến với Phái đoàn DN của Vùng Flanders (Vương quốc Bỉ); phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Châu Âu” nhằm kết nối, mở rộng quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa TP Hà Nội, các tỉnh, TP của Việt Nam với các nước Châu Âu.
Lãnh đạo TP đã chủ trì tổ chức 175 buổi tiếp, làm việc với các tập đoàn, công ty nước ngoài để giới thiệu những thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như các chính sách thu hút đầu tư; đồng thời, lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của DN về dự định đầu tư tại Hà Nội, khẳng định quyết tâm của lãnh đạo TP trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Hà Nội tạm đứng đầu cả nước về thu hút FDI sau 30 năm
Công tác đối ngoại kinh tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Trong 10 năm trở lại đây, Hà Nội luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 7,41%/năm), vị thế kinh tế Thủ đô không ngừng được nâng lên. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thị trường xuất khẩu của Hà Nội đã mở rộng ra 187 khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ; thu hút đầu tư FDI đạt được bước tiến đáng kể.
Lũy kế đến hết tháng 6/2018, Hà Nội đã có trên 4.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với vốn đầu tư đăng ký đạt 33.380 triệu USD, đã thu hút và triển khai 105 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 4.761 triệu USD, trong đó, giá trị đã kí kết là 3.072 triệu USD.
Riêng trong 2 năm 2016 - 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 thu hút được 12.460 triệu USD, bằng 59% tổng số vốn đầu tư đã thu hút từ 1986 - 2015. Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm 80%, còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”, TP đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5.428 triệu USD). Với những kết quả này, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI và lần đầu tiên trong 30 năm qua: 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước của năm 2018.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô: Đóng góp khoảng 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội, chiếm khoảng 16,5% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn, đóng góp khoảng 13,7% thu ngân sách; đã góp phần tạo thêm việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng cho người lao động. Trong 3 thành phần kinh tế, các DN FDI có mức nhập siêu thấp nhất và cũng là thành phần kinh tế duy nhất xuất siêu (chiếm khoảng 49,5% kim ngạch xuất khẩu), góp phần tạo cân bằng cho cán cân thương mại của TP.
Các DN FDI đã là một kênh chuyển giao công nghệ đặc biệt quan trọng so với các hình thức, kênh chuyển giao công nghệ chính thức khác. Đồng thời, tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất - kinh doanh và quản lý đối với các DN trong nước. Khu vực FDI đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Hà Nội. Nhiều dự án FDI tạo điểm nhấn trong diện mạo phát triển đô thị hiện đại của Thủ đô, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao góp phần cải thiện, nâng cao mức sống cho người dân.
Tạo dựng “thương hiệu” Hà Nội - Việt Nam
Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động đối ngoại kinh tế phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, TP đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng: Tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Ưu tiên trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ sinh học; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại… Hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
TP Hà Nội tiếp tục hướng trọng tâm vào việc mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các Thủ đô, TP của các nước và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế liên đô thị, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội; Kết hợp giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với các nước, thu hút FDI, tranh thủ viện trợ của các nước và các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế, gia tăng xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập ra thế giới, tạo dựng “thương hiệu” Hà Nội - Việt Nam, phục vụ cho phát triển kinh tế - thương mại quốc tế.
Thời gian qua, bên cạnh việc chủ động nỗ lực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, TP Hà Nội đã tích cực phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Thời gian tới, TP mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong vai trò cầu nối giữa các địa phương Việt Nam và Thủ đô Hà Nội với các đối tác nước ngoài; Hỗ trợ các địa phương khai phá những thị trường mới thông qua việc phát huy sức mạnh tổng hợp của ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa; Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế; Tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm đối ngoại nói chung và đối ngoại kinh tế nói riêng.