Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo hành lang pháp lý mới cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, sự đồng hành của DN và người dân, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có nhiều kết quả đáng khích lệ, đóng góp vào thành công chung của cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2023.

Hành lang pháp lý về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được hoàn thiện. Cụ thể, Bộ KH&CN đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Cùng với đó, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành là bước cụ thể hoá các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đề cập trong các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai tập trung vào các hướng nghiên cứu cơ bản, công nghệ ưu tiên, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm trọng điểm, chủ lực trong các ngành, lĩnh vực. Bộ đã xây dựng cơ chế quản lý nhiệm vụ nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đơn giản hoá quy trình, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Khoa học và công nghệ đóng góp tích cực cho sự phát triển đồng bộ các ngành, lĩnh vực. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng và rộng rãi trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thông tin...

Về việc tiếp tục xây dựng chủ trương của Đảng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương xây dựng các chủ trương về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII thông qua vào ngày 17/11/2022 (Nghị quyết số 29-NQ/TW).

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng cơ bản hoàn thiện việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (đã trình Bộ Chính trị, đang được xem xét thông qua).

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển khoa học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, về xây dựng pháp luật, năm 2022, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì việc soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) và đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 6/2022.

Đến năm 2025, Bộ KH&CN tiếp tục ký sửa đổi, bổ sung thêm 4 luật là Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa. “Như vậy, đến năm 2025, 5 trong 8 luật của ngành khoa học và công nghệ sẽ được sửa đổi, bổ sung, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo” - Bộ trưởng Bộ KH&CN cho hay.

Năm 2023, Bộ KH&CN sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình DN khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình DN khởi nguồn (spin-off); thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số gắn với cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phục vụ người dân, DN.