Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo môi trường “hút” nhà đầu tư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm nông nghiệp và thương mại đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) năm 2012 được tổ chức từ ngày 29/11 - 3/12 tại Ninh Bình, nhiều địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phải sớm có những cải cách về môi trường đầu tư.

Đầu tư vào nông nghiệp còn thấp

ĐBSH có 1,4 triệu hecta diện tích đất nông nghiệp, chiếm 5,4% cả nước nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm gần 18%, sản lượng lúa chiếm 16,5%... Theo Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2006 - 2010, bằng các nguồn vốn khác nhau, toàn bộ hệ thống thủy lợi hiện có trong vùng đã được cải tạo, nâng cấp, từng bước được hiện đại hóa như hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà, sông Nhuệ, Bắc sông Đuống. Đến nay, 100% các tuyến đê sông Hồng trên địa bàn TP Hà Nội đã được cứng hóa.

Tạo môi trường “hút” nhà đầu tư - Ảnh 1
Sản xuất hoa công nghệ cao tại thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.Ảnh: Quang Thiện  
 
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, nguồn vốn đầu tư vào khu vực ĐBSH những năm gần đây chủ yếu tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, còn lại đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 35%, thấp hơn nhiều so với tiềm năng của khu vực này. Trong 10 tháng đầu năm 2012, ĐBSH có 288 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng số vốn hơn 2.548 triệu USD, chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh... Tuy nhiên, chỉ có 1,5% số dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Cải thiện môi trường đầu tư 

Theo định hướng phát triển nông nghiệp đến năm 2020, các tỉnh trong khu vực ĐBSH tập trung vào xây dựng vùng rau, lúa hàng hoá chất lượng cao theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển mô hình trồng hoa công nghệ cao, cây ăn quả đặc sản, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung gắn với cơ sở giết mổ, chế biến khép kín nhằm đảm bảo ATVSTP. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đề nghị, các địa phương vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đồng thời tìm ra mô hình thích hợp để thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết hiệu quả và bền chặt. Trên cơ sở đó, huy động tối đa nguồn lực tổng hợp, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển vùng ĐBSH trở thành vùng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. 

Trong đó, cần tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng một số thương hiệu nông sản mang tính đặc trưng của địa phương cũng như của vùng. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kết hợp với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây được coi là động lực quan trọng để phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSH.

Sau 2 năm thực hiện Nghị định 61/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đến nay, mới chỉ có 9 tỉnh cấp giấy xác nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, mới có 42 dự án của 42 DN trong tổng số 25.760 DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi đầu tư, với mức ưu đãi rất hạn chế.