Tạo môi trường minh bạch để phát triển kinh tế tư nhân

Hà Thanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cuộc gặp "Đối thoại 2045” với cộng đồng DN vừa diễn ra là thông điệp rõ ràng của Chính phủ sẽ kiến tạo môi trường bình đẳng, minh bạch nhằm khuyến khích DN tư nhân phát triển.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc gặp gỡ, phỏng vấn chuyên gia Ngô Trí Long xung quanh đề tài này.

Doanh nghiệp tư nhân đang là “sếu đầu đàn”

Thưa ông, tại cuộc gặp "Đối thoại 2045” mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ cần phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN). Vậy kinh tế tư nhân đóng vai trò như thế nào đối với kinh tế Việt Nam cả ở hiện tại và trong tương lai?

- Trước đây, KTTN luôn bị bị kỳ thị nhưng theo thời gian đã có sự thay đổi khi được Đảng coi đó là động lực phát triển kinh tế. Điều này thể hiện qua tất cả các kỳ đại hội, đặc biệt là Đại hội 6 đến nay. Hiện nay KTTN ngày càng lớn mạnh và từng bước khẳng định là động lực quan trọng của đất nước.

Giai đoạn 2016 - 2020 trung bình mỗi năm có 128.000 DN thành lập mới và số vốn đăng ký tăng về lượng và chất. Điều này thể hiện rằng, những DN, tập đoàn kinh tế lớn được hình thành và dẫn đầu một số ngành hết sức quan trọng nền kinh tế.
 PGS.TS Ngô Trí Long
Ví dụ các sản phẩm mang thương hiệu Việt ngày càng thể hiện sự lớn mạnh của KTTN. Có nhiều ngành đứng mũi nhọn trong đầu tư, du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... KTTN thời gian vừa qua có sức bật rất mạnh tạo ra dấn ấn cơ bản thể hiện ở những tập đoàn kinh tế lớn. Ví dụ như Sun, Vin Group, Thaco, Masan, FLC, FPT… tạo ra hình ảnh được coi là những con sếu đầu đàn.

Tính tới cuối năm 2019 khu vực KTTN đang chiếm 42% GDP, đóng góp 30% thu ngân sách và tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Đến năm 2030 theo dự báo thì KTTN sẽ chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế. Theo Bảng xếp hạng FAST500: Giai đoạn 2016 - 2019 là quãng thời gian trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực KTTN khi có tốc độ tăng trưởng doanh thu kép trung bình tới 29,2%, con số này đối với DN FDI là 24,9% và DN nhà nước là 23%. DN tư nhân cũng chiếm tới 83,2% trong danh sách 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Hiện nay tất cả các DN KTTN cho thấy họ có thể làm những việc mà trước đây chỉ có Nhà nước làm mà tư nhân không làm được như sân bay, cảng biển quốc tế, sản xuất ô tô, hàng không. Từ đây có thể khẳng định KTTN có sức mạnh của kinh tế lớn. Xu thế chung thế giới, một đất nước phát triển, động lực KTTN góp phần quan trọng. Do đó, phát triển KTTN không chỉ là mục tiêu hiện tại mà trong tương lai sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và sự phồn vinh của đất nước.

Một trong những yếu tố trọng tâm để KTTN có thể phát triển đúng với vai trò và tiềm năng là cần đổi mới thể chế. Vậy theo ông sự thay đổi này nên diễn ra thế nào?

- Chính phủ cần kiến tạo thể chế theo hướng tạo thuận lợi để cho KTTN phát triển. Thể chế là văn bản pháp quy cao nhất là hiến pháp, tiếp đó là luật, nghị định, quy phạm pháp luật. Từ nhận thức KTTN bị kỳ thị, đến thay đổi tư duy coi đó là thành phần không thể thiếu và tiến tới đó là động lực quan trọng của nền kinh tế. Những thay đổi này phải thể hiện rõ ràng bằng chính sách, thể chế.

Để KTTN phát triển mạnh mẽ, yếu tố quyết định quan trọng đó là thể chế phải tạo ra được cơ chế chính sách, qua đó biến thành động lực thực sự, nghĩa là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát triển KTTN. Có thể bằng cách cụ thể như: Xóa bỏ điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh cho tư nhân có điều kiện phát triển, hay có cơ chế chính sách đủ thúc đẩy các DN lớn tham gia phát triển KTTN.

Cần bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân

Nhiều DN tư nhân cho rằng, hiện tại họ đang phải chịu sự cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng với DN nhà nước và DN FDI, có thể kể đến như chính sách ưu đãi, tiếp cận vốn, thuế... Theo ông, chúng ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Hiện nay đối với KTTN còn có định kiến và rào cản và lớn nhất chính là sự bất bình đẳng. Theo quan điểm cá nhân tôi, cần kiên quyết phá bỏ những điều kiện kinh doanh, hiện đang là rào cản. gây khó khăn cho DN để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng để DN tư nhân có khả năng tiếp cận vốn hoặc như hỗ trợ KTNT tiếp cận, khai thác cơ hội trong hội nhập kinh tế để mở rộng thị trường.

Đồng thời, cần nâng cao năng lực và hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo điều kiện ứng dụng CNTT, hiện đại hóa dịch vụ hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN tư nhân. Quan trọng là cần tăng cường cơ chế đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với DN.

Hiện nay, một trong những vấn đề nóng bỏng với KTTN là Chính phủ phải làm sao kiến tạo môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các khối DN tránh hiện tượng kỳ thị trong tiếp cận nguồn lực, quyền kinh doanh, quyền cung cấp thông tin cho DN tư nhân.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng môi trường thể chế theo quy luật thị trường. Đây là giải pháp quan trọng giúp DN tư nhân phát triển, xem xét điểm nghẽn môi trường kinh doanh là gì để từ đó chúng ta có phương án tháo gỡ.

Để DN tư nhân phát triển nhanh và mạnh hơn nữa không chỉ trong nước mà còn khẳng định mình tại thị trường nước ngoài trong bối cảnh hội nhập, cần những yếu tố nào, thưa ông?

- Hội nhập là tạo sân chơi công bằng bình đẳng giữa các nước, muốn như vậy, năng lực cạnh tranh của DN tư nhân là cực kỳ quan trọng.

DN Việt Nam hiện nay có đến 80 - 90% DN nhỏ và vừa, số DN lớn rất ít. Muốn đủ năng lực cạnh tranh trước hết là cần hình thành tập đoàn kinh tế mạnh, đủ sức vươn ra thị trường thế giới.

Chúng ta đừng để thua ngay trên sân nhà, muốn như vậy vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu tạo điều kiện cho DN đó tồn tại và phát triển.

Thưa ông, trong số DN tư nhân một bộ phận không nhỏ được hình thành từ những DN khởi nghiệp. Theo ông, cần có chính sách gì để làm bệ phóng cho sự lớn mạnh của DN đó sau này?

- Khởi nghiệp có rất nhiều lĩnh vực, trong đó, khởi nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo cực kỳ quan trọng. Công nghệ là cú hích cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, là động lực của đổi mới sáng tạo.

Mặc dù Chính phủ có chính sách, nghị định, đề án, chủ trương để phát triển các DN khởi nghiệp nhưng chúng ta cần tạo điều kiện về quỹ, vốn, môi trường kinh doanh… Đây là cơ sở, nền tảng rất quan trọng để DN khởi nghiệp phát triển, trưởng thành và trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững và lâu dài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Hiện nay, một trong những vấn đề nóng bỏng với KTTN là Chính phủ phải làm sao kiến tạo môi trường bình đẳng, minh bạch giữa các khối DN, tránh hiện tượng kỳ thị trong tiếp cận nguồn lực, quyền kinh doanh, quyền cung cấp thông tin cho DN tư nhân." - PGS. TS Ngô Trí Long