Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo thói quen tiêu dùng thông thái

Đoàn Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa bao giờ công tác kiểm soát ATTP lại được ngành chức năng thực hiện quyết liệt như thời gian qua.

Nhiều mô hình đảm bảo ATTP được triển khai, nhiều dự định đang ấp ủ, những đổi thay trong cách quản lý hướng người dân thay đổi thói quen trong tiêu dùng thực phẩm.
Đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch

Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng được bán tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng. Đặc biệt, thời gian gần đây, cơ quan chức năng liên tiếp thông tin thịt chứa chất tạo nạc, thủy sản có kháng sinh, rau chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, trái cây "tắm" hóa chất độc hại. Bởi vậy, xu hướng tìm đến các cửa hàng thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ là nhu cầu thiết yếu của người dân.

Tại các quận như Thanh Xuân, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai… thời gian qua liên tiếp khai trương hệ thống các cửa hàng, siêu thị thực phẩm an toàn. Mới đây nhất, UBND quận Cầu Giấy đã gắn biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn. 2 cửa hàng được gắn biển nhận diện là cửa hàng Luôn tươi sạch (72 đường Trần Thái Tông) và cửa hàng Klever Fruits (174 đường Trần Duy Hưng). Tính đến thời điểm này, quận Cầu Giấy đã có 6 cửa hàng được gắn biển nhận diện. Theo bà Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, trong năm 2018, quận hướng tới 100% các cửa hàng kinh doanh trái cây trên đạt các tiêu chí ATTP, có biển hiệu nhận diện.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí của Đề án tại cửa hàng trái cây Luôn tươi sạch (72 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh:  Nguyên Trang

UBND quận Thanh Xuân cũng vừa khai trương thêm cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại địa chỉ 136 đường Nguyễn Ngọc Nại, phường Khương Mai. Đây là điểm kinh doanh thực phẩm an toàn có kiểm soát thứ 5 trên địa bàn quận. Trước đó, đã có 4 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các phường Hạ Đình, Nhân Chính, Kim Giang và Thanh Xuân Bắc, phục vụ khoảng 34.000 lượt khách. Theo thống kê trên toàn TP, đến thời điểm này, đã có gần 30 cửa hàng thực phẩm an toàn do UBND quận quản lý.

Riêng hệ thống siêu thị "Bữa ăn an toàn" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Sở Y tế thực hiện đã khai trương 2 siêu thị tại quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Mỗi ngày, mỗi siêu thị cung cấp 4 - 5 tạ rau, củ, quả, 2 - 3 tạ thịt cùng nhiều mặt hàng trái cây, đồ khô, các loại gia vị khác. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Vũ Hoan cho biết, hệ thống siêu thị luôn hướng tới việc giúp người dân Thủ đô có được bữa ăn thực sự an toàn và chất lượng. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân nhận biết rõ chất lượng nguồn gốc và lựa chọn thực phẩm an toàn đáp ứng dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn hàng ngày.

Phối hợp kiểm soát

Đánh giá về công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, ông Trần Ngọc Tụ – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, TP đã có nhiều nỗ lực trong kiểm soát ATTP. Từ đầu năm đến nay, toàn TP đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 6.948 cơ sở với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hà Nội đã ký kết chương trình phối hợp quản lý chất lượng, ATTP với nhiều tỉnh, TP để đảm bảo thực phẩm đến Hà Nội được kiểm soát từ gốc.

Việc Hà Nội liên tiếp khai trương các chuỗi cửa hàng, siêu thị thực phẩm an toàn, ông Trần Ngọc Tụ cho rằng, hệ thống này sẽ cung cấp cho người dân những địa chỉ kinh doanh thực phẩm tin cậy, được giám sát bởi các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, để kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc thực phẩm đúng như cam kết, chính quyền địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt hơn. Đối với người tiêu dùng cũng cần tăng cường vai trò giám sát, khi phát hiện thực phẩm có vấn đề, nên báo cho cơ quan chức năng để vào cuộc kịp thời. “Ý thức tiêu dùng vô cùng quan trọng, người dân nên tạo cho mình thói quen tiêu dùng thông thái, chỉ mua hàng hóa, thực phẩm ở những địa chỉ uy tín, được cấp giấy chứng nhận” - ông Tụ nhấn mạnh.

Được biết, trong năm 2018, TP tiếp tục nhân rộng những mô hình điểm về ATTP. Trong đó, các quận, huyện sẽ triển khai hệ thống các cửa hàng, siêu thị, tuyến phố đảm bảo ATTP. Đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sẽ được kiểm tra, kiểm soát chặt hơn. Hà Nội kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị.