Cùng với sự chuẩn bị dự trữ của các DN, một lượng hàng hóa bình ổn cũng tham gia công tác phục vụ Tết, qua đó giúp thị trường ít biến động về giá cả và lượng.
Tăng cường dự trữ hàng hóa
Với dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng trong năm… việc dự trữ hàng hóa là điều ngành công thương Hà Nội chú trọng. Đặc biệt, các DN tham gia chương trình bình ổn giá cũng đang tập trung khai thác, dự trữ 7 nhóm hàng thiết yếu, bao gồm: 4.000 tấn gạo trắng thường, 900 tấn thịt lợn, 450 tấn thịt gà, vịt, 5,5 triệu quả trứng gia cầm, 200 tấn thủy hải sản đông lạnh, 1,5 triệu lít dầu ăn, 1.500 tấn rau củ, với tổng giá trị tiền hàng 276,75 tỷ đồng. Đại diện các siêu thị trên địa bàn như: Metro, BigC, Co.op Mart, Fivimart, Hapro, Lan Chi… cũng cam kết dự trữ hàng phục vụ Tết tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng trong năm, với tổng tiền hàng khoảng trên 2.300 tỷ đồng. Riêng đối với các làng nghề, tập trung sản xuất các nhóm hàng phục vụ Tết Nguyên đán với sản lượng dự kiến: 150.000 sản phẩm quần áo, 2.400 tấn bánh kẹo, hơn 100 tấn giò chả, 500 tấn miến, 150 tấn đỗ xanh, 300 tấn chè khô, với tổng số tiền ước tính 150 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, DN đã tăng cường liên kết với các tỉnh bạn như Thái Bình, Quảng Ninh và các tỉnh miền Tây để khai thác nguồn hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm tươi sống: "Tại tỉnh Thái Bình, Hapro đã ký nhiều hợp đồng cung ứng thịt gia súc, gạo… Đối với những mặt hàng có khả năng tăng giá trong những tháng cuối năm như thịt lợn, Hapro đã ứng trước một phần kinh phí với các chủ chăn nuôi"...
Mở rộng điểm bán hàng bình ổn giá
Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân, bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội cùng với các DN đẩy mạnh hoạt động bán hàng thông qua chương trình bình ổn giá, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo.
Để người dân trên địa bàn, đặc biệt là nhóm có thu nhập trung bình, thu nhập thấp có một cái Tết trọn vẹn, ngành công thương Hà Nội sẽ duy trì lượng hàng dồi dào, giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo và cam kết không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Theo kế hoạch, chương trình bình ổn giá sẽ giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhóm hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu như đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản... có giá rẻ hơn giá thị trường từ 5 - 10%. Bên cạnh đó, để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài 600 điểm bán hàng bình ổn giá, các DN thương mại còn tổ chức 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn trong khu công nghiệp, trường học, công ty, đảm bảo giá bán ổn định theo giá đã được Sở Tài chính chấp thuận.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, ngành công thương TP sẽ tổ chức 200 chuyến bán hàng lưu động và 7 trung tâm bán hàng phục vụ Nhân dân các vùng ngoại thành và các xã miền núi, qua đó phục vụ nhu cầu mua sắm của người có thu nhập thấp. Ngoài ra, các điểm bán hàng bình ổn giá sẽ đẩy mạnh việc treo biển nhận diện theo mẫu quy định của UBND TP nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết điểm bán hàng giá thấp hơn thị trường. Sở cũng đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra thị trường để đảm bảo thị trường lành mạnh phục vụ Nhân dân Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Mua hàng tại Co.opMart Hà Nội. Ảnh: Hùng Huy
|