Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 25/6, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã khai mạc.

 
Mục đích nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; thảo luận dự thảo các Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 (khóa XI) về công tác dân vận, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Tăng trưởng nhưng thiếu bền vững

Trong phiên họp buổi chiều, Thành ủy đã xem xét dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XI) về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới".

Chương trình hành động đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để tập trung thực hiện. Đó là: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; Tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; Làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước; Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò công tác dân vận trong tình hình mới; Đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang; Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô; Quan tâm xây dựng, củng cố bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động của Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND TP cho thấy, trong tình hình chung nhiều khó khăn, nhưng nhờ thực hiện tốt các giải pháp cùng sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, nền kinh tế Thủ đô vẫn duy trì mức tăng trưởng khá với tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước tăng 7,67%. Trong đó, dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 7,46% và nông nghiệp tăng 2,95%. Đây là mức tăng khá (cao hơn mức tăng 4,89% quý I của cả nước), nhưng vẫn thấp hơn kế hoạch cả năm (8,0 - 8,5%). Về thu ngân sách đạt thấp hơn mức cùng kỳ năm trước, với gần 62.636 tỷ đồng, bằng 38,8% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 5.069 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ; lãi suất cho vay ngân hàng tuy giảm nhưng tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế…

Nhận định tình hình kinh tế tuy có dấu hiệu phục hồi, nhưng để đạt tăng trưởng cả năm 2013 từ 8 - 8,5% như mục tiêu đặt ra đang là bài toán không đơn giản (6 tháng còn lại tăng 8,3 - 9,26%). Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP đặt ra nhóm giải pháp trọng tâm và khâu đột phá trong thời gian tới. Đó là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; Triển khai tích cực các dự án đầu tư, công trình trọng điểm, dự án kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời tháo gỡ khó khăn công tác GPMB, đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư; Tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế; Siết chặt quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, các dự án BT, BOT và đẩy mạnh thu hút FDI, ODA; Đẩy nhanh công tác quy hoạch, quản lý trật tự, xây dựng đô thị và xây dựng nông thôn mới…

Tập trung các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh - Ảnh 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quốc Toản

Chú trọng các giải pháp ngắn hạn

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của TP đã có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá, nhưng chậm, chưa vững chắc và còn một số hạn chế, yếu kém. Nổi lên là tăng trưởng thấp so với kế hoạch năm, việc làm, đời sống một bộ phận nhân dân chưa được cải thiện; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn; tồn kho BĐS và vật liệu xây dựng chậm giải quyết; Quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực quy hoạch, đô thị, đất đai còn hạn chế, một số yếu kém tồn tại từ nhiều năm qua chậm khắc phục…

Để tháo gỡ khó khăn, khắc phục tình trạng trên, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Nguyễn Quang Sơn đề nghị TP khi triển khai đầu tư nên chia thành các giai đoạn với sự phân bổ cụ thể, tránh dàn trải, vừa không đủ nguồn lực, vừa hiệu quả thấp. Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy Lê Văn Luân cho rằng nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ví như việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng phải có sự chọn lựa những đơn vị có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Đi sâu phân tích khó khăn của doanh nghiệp khi phải đối mặt với nợ xấu, thị trường không ổn định, hàng tồn kho nhiều, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Hữu Thắng mong muốn TP quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, ủng hộ cao hơn nữa cho vay vốn, giãn thuế.

Làm rõ hơn những rào cản khiến cho tốc độ tăng trưởng và thu ngân sách đạt thấp trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, một phần quan trọng dẫn đến tình trạng này chính là công tác chỉ đạo, điều hành dù đã đổi mới, nhưng chưa đồng đều, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành chức năng. Có địa phương, đơn vị đề ra kế hoạch rất tốt, tuy nhiên khi triển khai lại bị động, thiếu sáng tạo, nên không đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, kỷ cương hành chính bước đầu chuyển biến, nhưng chưa rõ nét.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cả năm, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần có những biện pháp căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, cần chú trọng các giải pháp ngắn hạn phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, nhất là những giải pháp hiệu quả đã đi vào cuộc sống. Đơn cử như việc kích cầu vào đầu tư công vào kiên cố hóa kênh mương nội đồng, vừa tiêu thụ được vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm, vừa phát triển khu vực nông nghiệp. Chủ tịch yêu cầu tập trung giải pháp chống thất thu thuế, cố gắng thu đủ ngân sách theo kế hoạch; đẩy mạnh quy hoạch, cải thiện môi trường đầu tư; linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành, tiếp tục cải cách hành chính, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi:

Tăng cường chống thất thu thuế

Sản xuất của DN tiếp tục khó khăn. Hoàn Kiếm có 600 doanh nghiệp ngừng hoạt động; nhiều cửa hàng phải trả lại vì không kinh doanh được; nhiều khách sạn rao bán. Điều này ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Vì vậy, để bảo đảm nguồn thu, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, cũng cần quyết liệt hơn trong chống thất thu thuế. Vừa rồi, quận Hoàn Kiếm đã thành lập 2 đội chống thất thu thuế, và thu thêm được cho ngân sách 48 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng:

Cần có “nhạc trưởng”  về xúc tiến thương mại

Hà Nội hiện có đến 21 tổ chức xúc tiến thương mại nhưng lại không đủ tầm để tạo ra các mối quan hệ, hợp tác bởi hầu hết bộ phận này đều thuộc về các sở. Điều này khiến cho công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường ra nước ngoài của Hà Nội thiếu chiều sâu, thiếu gắn kết. Theo tôi, UBND TP nên thành lập Trung tâm Xúc tiến thương mại để hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn.