Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung chăm sóc lúa xuân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, TP phía Bắc tập trung triển khai các biện pháp chăm sóc lúa xuân 2014.

Tập trung chăm sóc lúa xuân - Ảnh 1
Trong đó, với trà lúa xuân gieo sớm, lúa đã đẻ nhánh tối đa và đang giai đoạn phân hoá đòng, để hạn chế nhánh vô hiệu cần tháo cạn nước mặt ruộng, phơi ruộng đến cứng nền để rễ lúa ăn xuống, giúp cây cứng, khỏe và chống đổ tốt. Sau 5 - 7 ngày tiếp tục cho nước, kết hợp bón bổ sung kali, sau đó duy trì mực nước ruộng từ 2 - 3 cm, tạo điều kiện cho lúa làm đòng và trỗ bông thuận lợi. Những chân ruộng và trà lúa gieo cấy sau Tết Nguyên đán và bị thiệt hại do rét, hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến đứng cái cần kết thúc chăm sóc sớm, bón tập trung và cân đối NPK.

Cùng với đó các địa phương khuyến cáo và hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu, bệnh và chuột hại lúa, đặc biệt đối với các đối tượng như bệnh đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân và chuột... Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, lúa Đông Xuân năm nay sẽ trỗ muộn hơn so với những năm bình thường khoảng 7 - 10 ngày. Do vậy, các địa phương cần chủ động xây dựng đề án sản xuất vụ hè thu, vụ mùa gắn với vụ đông trên cơ sở bố trí lịch gieo cấy, cơ cấu giống và các giải pháp kỹ thuật phù hợp, chuẩn bị đủ giống và vật tư cho vụ tiếp theo.

Theo báo cáo của các địa phương, tổng diện tích lúa vụ Đông xuân 2013 - 2014 của các tỉnh Bắc Bộ khoảng 795.000ha, vùng Bắc Trung Bộ là 344.000 ha đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, do điều kiện rét kéo dài, đặc biệt nhiệt độ trung bình ngày và số giờ nắng trong tháng 2 và tháng 3 thấp hơn trung bình nhiều năm nên lúa xuân  sinh trưởng phát triển chậm, bệnh đạo ôn phát sinh mạnh tại một số địa phương. Dự kiến thời gian sinh trưởng của lúa sẽ chậm so với trung bình nhiều năm từ 7 - 10 ngày tuỳ theo từng trà lúa.