Xác định những điểm nghẽn
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, sau 1 tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm, với sự quyết tâm, quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình trật tự ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn TP, nhất là 12 quận nội thành đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã từng bước giảm dần. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản gọn gàng đúng quy định…
Dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng những kết quả đó chưa bền vững, nhiều điểm xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm. Tình trạng chiếm dụng hè phố, lòng đường vào giờ cao điểm vẫn còn tồn tại với các hành vi phổ biến như dừng, đỗ phương tiện trên hè phố, dưới lòng đường không đúng quy định. Tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh, buôn bán vấn diễn ra phức tạp.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, nguyên nhân dân đến tình trạng trên là hệ thống hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến một số hành vi không được giải quyết triệt để.
Tại một số quận có mật độ dân cư cao, lượng phương tiện lớn, điểm trông giữ phương tiện ít, không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dẫn đến tình trạng dừng, đỗ phương tiện không đúng nơi quy định, làm phát sinh những điểm trông giữ không phép, vượt phép.
Măt khác, tại điểm c, khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã quy định xử phạt hành vi đỗ, để xe ở hè phố trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề “trái quy dịnh của pháp luật chưa được làm rõ”.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Thông tư 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị thì việc sử dụng hè phố vào việc để xe phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại cho người đi bộ là 1,5m.
Trên thực tế, nhiều trường hợp đỗ, để ô tô trên hè phố vẫn chừa lại 1,5m cho người đi bộ, nên nhiều trường hợp khi bị kiểm tra xử lý đã không chấp hành, thậm chí thuê luật sư kiện lực lượng chức năng, khiến công tác kiểm tra, xử lý gặp không ít khó khăn.
Xây dựng tiêu chí cụ thể về đỗ, để phương tiện
Trước những bất cập trên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, trong thời gian tới, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình trật tự ATGT tại các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn TP, nhất là khu vực các quận nội thành nơi thường xuyên diễn ra sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao… để thống nhất danh mục các tuyến phố cấm đỗ, để xe dưới lòng đường, trên hè phố.
Đồng thời, nghiên cứu đưa ra những tiêu chí cụ thể về việc cho phép đỗ, để phương tiện dưới lòng đường, trên vỉa hè như bề rộng của hè phố, tuyến phố không thuộc hành lang dẫn và bảo vệ đoàn, khu vực tổ chức sự kiện chính trị…, các tuyến dường không thuộc đường vành đai, trục chính xuyên tâm phục vụ công tác tiều tiết, phân luồn giao thông.
TP sẽ có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô tô dừng, đỗ trên hè phố. Sửa đổi Quyết định 09/2018/QĐ-UBND ngày 3/5/2018 của UBND TP ban hành Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP. Trong đó, bổ sung quy định hè phố chỉ được phép sử dụng một phần để sắp xếp xe đạp, xe máy, không sắp xếp ô tô; Không sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện xe ô tô.
Lãnh đạo UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, phối hợp với đơn vị có liên quan có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, chợ tự phát, “chợ cóc” sau khi giải tỏa để vừa đảm bảo trật tự đô thị, vừa đảm bảo cuộc sống của người dân. Nghiên cứu tổ chức khu vực bán hàng rong hoặc định hướng nghề nghiệp cho người dân có thu nhập chính từ việc chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 2053/QĐ-UBND ngày 27/5/2008 phê duyệt danh mục các tuyến phố cấm để xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường và điều chỉnh, thay thế nội dung văn bản số 796/UBND-ĐT ngày 6/2/2012 của UBND TP quy định các tuyến phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện xe đạp, xe máy, ô tô trên hè phố, lòng đường.
Trong đó, đối với việc sử dụng hè phố, đề nghị quy định cấm đỗ, để phương tiện ô tô trên hè phố tất cả các tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội. Đối với các tuyến phố có vỉa hè đủ điều kiện theo quy định thì xem xét cấp phép bố trí điểm trông giữ ô tô để giải quyết nhu cầu đỗ xe của Nhân dân.
UBND TP giao đơn vị có liên quan nghiên cứu cho phép tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời tại các vị trí đất thuộc dự án tạm dừng triển khai, chưa triển khai trên địa bàn TP để giải quyết phần nào nhu cầu đỗ, để phương tiện của người dân. Trong đó, UBND TP yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyên, thị xã phải báo cáo việc tổ chức trông giữ phương tiện tại vị trí đất thuộc dự án tạm dừng triển khai, chưa triển khai trên địa bàn (nếu có), trong đó, báo cáo rõ căn cứ cho phép trông giữ, số lượng và vị trí đã cho phép trông giữ phương tiện.