Cùng với đó là nhiều ngành SX chủ lực lại có dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK). Điều này cho thấy SX và XK của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu được nhận định là do nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng CN chế biến giảm, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, sức mua trên thị trường trong và ngoài nước đều ở mức thấp; tồn kho của một số ngành còn ở mức cao... Nhiều ngành CN hoạt động cầm chừng, XK tăng chậm Thống kê cho thấy trong số 39 nhóm sản xuất thuộc nhóm ngành CN chế biến, ngành khai thác mỏ có mức tăng trưởng thấp nhất tập trung ở những sản phẩm là nguyên liệu đầu vào của SX như than, đá, cát, sỏi, đất sét và cao lanh, khí đốt tự nhiên. Điều này phản ánh thực tế khi SX suy giảm, nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu giảm, SX vì thế giảm theo. Bên cạnh đó, tồn kho của nhóm mặt hàng SX vật liệu xây dựng ở mức cao. Một số ngành như dệt may, giầy dép... hoạt động cầm chừng do thiếu những đơn hàng lớn, ngành giấy, ngành nhựa... tiêu thụ sản phẩm giảm. Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng SX tăng cao đã phần nào hỗ trợ cho sự suy giảm của nhóm, tập trung ở nhóm CN cơ khí như: SX thiết bị điện, đóng tàu và cấu kiện nổi, SX phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và linh kiện điện tử. Điều đó cho thấy trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn nhưng ngành cơ khí vẫn có những dấu hiệu phát triển, chính sách hỗ trợ phát triển ngành đã bắt đầu có tác dụng và cần tiếp tục được thực hiện. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải nhận định: Khó khăn lớn trong SXCN nước ta hiện nay vẫn là nhu cầu vốn của DN tăng cao do mặt bằng giá các yếu tố SX tăng, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến SX và hiệu quả đầu tư kinh doanh. Không thu xếp được vốn, làm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nâng cao năng lực SX tại DN rất chậm, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch đặt ra và gây lãng phí các nguồn lực huy động. Vì vậy, ông Hải cho rằng cần tiếp tục thực hiện và có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm tồn kho, khẩn trương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm khai thông thị trường thúc đẩy SX phát triển. Cùng với SX vẫn phải đối mặt nhiều thách thức thì từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng XK tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (NK) đã làm cho Việt Nam xuất siêu khoảng 34 triệu USD. Xuất siêu trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, cho thấy SX suy giảm, là dấu hiệu cần quan tâm sát sao hơn để có những chính sách hỗ trợ thúc đẩy SX. Đáng chú ý, một số mặt hàng chủ lực như dệt may, da giầy, sản phẩm gỗ... có quy mô XK lớn nhưng tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn so với mức tăng trưởng XK chung của cả nước. Thực tế này thể hiện sự khó khăn trong tìm kiếm thị trường XK, đặc biệt rơi vào những DN vừa và nhỏ trong nước. Do đó Bộ Công Thương cho rằng vẫn cần lưu ý để có biện pháp hỗ trợ trong việc đẩy mạnh XK trong những tháng cuối năm. Đồng thời, một dấu hiệu đáng lo là NK của khối các DN trong nước giảm, trong khi các DN nước ngoài vẫn tăng cao, cho thấy khả năng thích nghi và năng lực cạnh tranh yếu của các DN trong nước trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm. Nỗ lực khơi thông “đầu ra” Bộ Công Thương dự báo cả năm 2012, chỉ số SXCN sẽ tăng 5,4% so với năm ngoái; kim ngạch XK đạt khoảng 113 tỷ USD, tăng 16,6%; nhập siêu khoảng 1 tỷ USD với tỷ lệ nhập siêu/XK khoảng 0,9%. Để đạt được mục tiêu trên, góp phần vào tăng trưởng GDP nền kinh tế (dự kiến 5,3 - 5,6%), toàn ngành công thương phấn đấu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP cũng như các văn bản chỉ đạo khác của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong đó tập trung vào 8 nhóm giải pháp chính. Về SXCN, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các DN SX trong toàn ngành đẩy mạnh tiết giảm chi phí, khơi thông đầu ra cho hàng hóa bằng cách củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm hàng hóa từ nhà SX đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất, giảm tồn kho sản phẩm. Bên cạnh đó, DN hưởng ứng thực hiện sâu rộng Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhằm giảm NK, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, kích thích SX phát triển. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, DN cần đẩy mạnh SX để đảm bảo cân đối cung cầu. Trong đó, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các DN SX điện để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện những tháng cuối năm. Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng yêu cầu DN triển khai chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện tái cơ cấu DN, mà trọng tâm là DN nhà nước, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Trong công tác XNK, ngành công thương phấn đấu trong thời gian cuối năm thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm khai thông thị trường; tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường. Bộ cũng chỉ đạo các tham tán thương mại tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm kịp thời phát hiện những thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý NK, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa XK Việt Nam tại các thị trường, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và DN, hiệp hội để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh.
Để thúc đẩy SX và XK, Bộ Công Thương cho biết sẽ chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định 75/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư và tín dụng XK của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ DN XK tiếp cận với nguồn vốn tín dụng XK, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế XK, thuế NK và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho SX trong nước và thúc đẩy kinh doanh, XK. |