Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại buổi sơ kết thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2020 và tổng kết năm học 2010 - 2011 khối các trường ĐH, CĐ vào ngày 29/10, tuyển sinh theo hình thức nào vẫn là vấn đề "nóng".

Nghiên cứu tìm phương án tuyển sinh mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ thu hồi quyết định mở ngành của trường không bảo đảm điều kiện quy định, trình cấp thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động, giải thể trường đại học yếu kém. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp "3 chung" nhưng sẽ có những điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý. Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH, CĐ, đồng thời tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy. Thực hiện quản lý chặt chẽ quá trình đào tạo, đặc biệt tăng cường công tác quản lý giảng dạy, quản lý học tập, siết chặt quy chế thi, kiểm tra và đánh giá; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi để tách khâu dạy và khâu thi.

Trong năm 2011 - 2012, Bộ tiếp tục phân cấp kiểm tra, xác nhận những điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ và ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ: giao các cơ sở giáo dục và đào tạo trực tiếp kiểm tra và xác nhận những điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu và cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện phục vụ đào tạo.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, sẽ phân cấp tuyển sinh vừa làm vừa học. Theo đó, các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh vừa làm, vừa học, ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo, xét tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển và giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác tuyển sinh. Việc phân cấp đồng thời với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm khắc phục hạn chế từ những năm trước.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, những giải pháp trên sẽ từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy. Hiện Bộ đang giao 2 ĐH Quốc gia (Hà Nội và TP. HCM) và các trường ĐH trọng điểm nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh để Bộ thảo luận. "Phương án nào tối ưu nhất, Bộ sẽ sử dụng. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan, bảo đảm phương án thi công bằng, có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng kiểm tra giám sát" - Bộ trưởng nói.

Không chạy theo số lượng

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, mấy năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, số trường ĐH, CĐ thành lập mới đã được hạn chế. Chính phủ chủ trương không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng. Đó cũng là yêu cầu bức thiết nhất hiện nay đối với  giáo dục đại học (GDĐH). Đồng thời coi việc đổi mới quản lý GDĐH và quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo là khâu đột phá để tạo ra đổi mới toàn diện GDĐH. Đây cũng là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhất là công tác giám sát việc thành lập các trường ĐH mới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đổi mới hoạt động GD là phải đổi mới hoạt động sư phạm. Các cơ sở GDĐH phải là nơi có môi trường sư phạm thể hiện sự trung thực, kỷ cương, khách quan, công bằng, sáng tạo. Phải có cơ chế giám sát, đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDĐH…".

Phó Thủ tướng đề nghị các trường thực hiện các nội dung cụ thể. Đó là tiếp tục phần đấu hoàn thành những nội dung của Chỉ thị 296.

Thứ hai, cần thảo luận chuyên đề trong toàn ngành liên quan đến vấn đề thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia gắn với tuyển sinh của toàn ngành và các trường.

Thứ ba, triển khai thí điểm từng bước thực hiện dân chủ cơ sở: Sinh viên tham gia đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá lãnh đạo nhà trường, các Sở GD&ĐT, các trường ĐH đánh giá hoạt động của Bộ GD&ĐT.