Tại Nghị quyết về Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động (ĐV-NLĐ) trong tình hình mới, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng hệ thống chính sách, tập trung nguồn lực của tổ chức Công đoàn chăm lo phúc lợi theo hướng đồng bộ, ổn định, dài hạn; huy động nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh. Tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa ĐV-NLĐ với tổ chức Công đoàn, thu hút đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện.
Cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam đặt ra một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 như: phấn đấu 100% đoàn viên được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn; 100% đoàn viên được thăm, động viên, tặng quà khi gặp hoàn cảnh khó khăn, được thụ hưởng chính sách, chương trình chăm lo phúc lợi của tổ chức Công đoàn hoặc Công đoàn phối hợp tổ chức;
100% LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam và trên 50% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Chợ Tết Công đoàn” với hình thức phù hợp.
Phấn đấu dành ít nhất 60% tổng chi từ nguồn tài chính công đoàn chi cho hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động; 100% cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp trên cơ sở được giao làm công tác chăm lo phúc lợi được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chăm lo phúc lợi.
Phấn đấu trên 80% cuộc đối thoại có nội dung về phúc lợi tốt hơn quy định của pháp luật; ít nhất 50% thỏa ước lao động tập thể do tổ chức Công đoàn ký kết hoặc tham gia ký kết được xếp loại chất lượng đạt loại B trở lên.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: từ quá trình triển khai thực tế phát hiện, đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành ở trung ương, các địa phương ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội và phúc lợi cho ĐV-NLĐ trong đó tập trung vào các nội dung như: nhà ở, tiền lương, việc làm, thị trường lao động; thiết chế văn hóa, thể thao; giáo dục, đào tạo, đào tạo lại; an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách đối với lao động làm việc trong các ngành nghề công việc đặc thù, nặng nhọc, độc hại, lao động là nữ, trẻ em....
Cùng với đó, bố trí nguồn lực đủ mạnh bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động. Nghiên cứu, sắp xếp vị trí việc làm về chăm lo phúc lợi từ Tổng LĐLĐ đến công đoàn cấp trên cơ sở theo hướng đảm bảo đủ số lượng, phẩm chất, năng lực thực hiện; đổi mới nội dung, chất lượng, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn làm công tác chăm lo phúc lợi.
Xây dựng, triển khai các chính sách ổn định, dài hạn chăm lo phúc lợi cho ĐV-NLĐ; Chính sách hỗ trợ đoàn viên về nhà ở; chính sách hỗ trợ ĐV - NLĐ khi gặp khó khăn; chính sách hỗ trợ ĐV - NLĐ bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm; chính sách hỗ trợ cho ĐV - NLĐ làm việc ở khu vực phi chính thức... Đồng thời, triển khai đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.