Tập trung nguồn lực để hoàn thành Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đúng tiến độ

Trần Long - Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu kết luận hội nghị giao ban quý III/2022 diễn ra chiều 28/9, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, sự hình thành các KCN, CCN đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư và góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm …

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào KCN, CCN

Theo đó, nhấn mạnh quá trình đầu tư, xây dựng và quản lý các KCN, CCN trên địa bàn TP Hà Nội còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ yêu cầu, các cấp, các ngành của TP cần tập trung thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII).

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư KCN, CCN trên địa bàn TP. Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, đảm bảo cải cách tối đa các thủ tục hành chính. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, cần khẩn trương tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng cần nghiên cứu, tính toán việc thực hiện phân cấp, ủy quyền cho các địa phương thực hiện một số thủ tục đầu tư.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ xin chuyển đổi đất lúa trình Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đã đủ điều kiện.

Ngoài ra, đối với các dự án chậm tiến độ, đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ về quy trình, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Yêu cầu các Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN trên địa bàn TP ký cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN, CCN như: đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối đến hàng rào KCN, CCN mới, hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, viễn thông...) đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư. Phân công rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc chỉ đạo, điều hành; thường xuyên kiểm tra, giám sát dự án và tổ chức giao ban định kỳ kiểm điểm tiến độ thi công, chất lượng các công trình trọng điểm để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Thực hiện 4 phương châm trong PCCC tại chỗ

Về công tác tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa của Hà Nội không ngừng gia tăng mạnh mẽ và cùng với sự tăng dân số cơ học là sự phát triển của các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các khu vui chơi giải trí, các phương tiện giao thông… dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn cháy nổ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCCC, CHCN, thời gian qua, TP đã luôn quan tâm chỉ đạo, đầu tư, tạo điều kiện tổ chức triển khai có hiệu quả công tác PCCC, CHCN trên địa bàn TP.

Cho rằng công tác PCCC, CHCN tuy có nhiều tiến bộ song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị các cấp, các ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội TP tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô. Trước mắt, trong giai đoạn thời tiết của Thủ đô Hà Nội có những diễn biến khó lường, nhu cầu dùng điện của người dân tăng cao, nguy cơ xảy ra chập điện, cháy, nổ là rất cao thì các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện 4 phương châm trong PCCC tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Ngoài ra, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về PCCC, nâng cao ý thức tự giác thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, người dân, coi việc PCCC là trách nhiệm, quyền lợi của mình. Các cơ quan chuyên môn của TP cần nghiên cứu, đề xuất một số quy hoạch ngành có liên quan để tăng cường quản lý như: Quy hoạch phát triển ngành nghề kinh doanh karaoke, bar, vũ trường theo hướng an toàn, bền vững và phải có biện pháp đảm bảo quản lý chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh. Quy hoạch, đầu tư về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (bể ngầm, trụ nước chữa cháy TP).

Bên cạnh đó, tăng cường công tác xử lý những vi phạm quy định về PCCC. Đối với những cơ sở vi phạm quy định về PCCC phải có biện pháp xử lý mạnh, nhất là các nhà chung cư, các cơ sở kinh doanh (karoke, quán bar, vũ trường, trông giữ xe máy tại nhà, các khu vui chơi giải trí tập trung đông người...). Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ, đầu tư, trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC nói chung và đặc biệt là cho lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.