Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung nguồn lực, xã hội hóa công tác giáo dục

Trần Thảo - Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/5, hai Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã làm việc với huyện Thường Tín, huyện Ba Vì, quận Hà Đông về kết quả thực hiện Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND của HĐND TP về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp Thủ đô Hà Nội; Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Rà soát các chỉ tiêu
Theo lãnh đạo huyện Thường Tín, trong giai đoạn 2011 - 2015, chất lượng giáo dục và công tác quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn huyện đã có bước phát triển tốt. Đến nay, huyện có 29 trường mầm non, 29 trường tiểu học, 30 trường THCS, 5 trường THPT, tính đến 31/12/2016, các cơ sở giáo dục trực thuộc huyện có tổng số 1.424 nhóm lớp, với 50.768 học sinh (HS). Bên cạnh đó, công tác quy hoạch mạng lưới trường học, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất, trang thiết bị luôn được đầu tư, quan tâm sát sao. Giai đoạn từ 2011 – 2015, huyện đã đầu tư tổng số tiền gần 439 tỷ đồng cho 212 dự án trường học, hiện toàn huyện có 50/88 trường đạt chuẩn đạt tỷ lệ 56,8%. Tuy nhiên, do dân số cơ học tăng nhanh nên diện tích đất nhiều trường không đảm bảo. Kinh phí hạn chế, các trường được đầu tư xây dựng chỉ xây mới một số hạng mục, còn lại sửa chữa, nâng cấp các phòng cũ nên diện tích các phòng học, phòng chức năng, phòng bộ môn chưa đáp ứng đúng với yêu cầu hiện nay.

Giờ học của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Ba Vì.  Ảnh: Thanh Hải

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn gợi ý, huyện Thường Tín nên rà soát lại các chỉ tiêu trong Nghị quyết 05 như về quy hoạch, tính toán trong công tác dự báo… để có cách thức, giải pháp triển khai cho phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, phát triển hệ thống giáo dục các cấp: “Huyện cần nâng cao chất lượng GD&ĐT theo hướng chuẩn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tập trung nguồn lực, xã hội hóa trong công tác giáo dục”.
Bố trí quỹ đất xây dựng trường học
Cùng ngày, làm việc với huyện Ba Vì, quận Hà Đông, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà và Đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của 2 quận, huyện trong thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời đề nghị các quận, huyện chỉ ra những chỉ tiêu chưa đạt, cần phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan… Như những điểm khó về GPMB, thu hồi đất; dự án liên quan đến quy trình...  trình HĐND để có giải pháp thu hồi, GPMB. Bên cạnh đó, rà soát lại quỹ đất, quy hoạch lại, hiện có thể đủ phòng học nhưng thiếu quỹ đất để mở rộng trường đến năm 2020 và 2030 khi số lượng HS tăng...
Theo lãnh đạo huyện Ba Vì, huyện hiện còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, do địa bàn các xã rộng, nhiều điểm trường lẻ; điều kiện kinh tế của người dân thấp; nguồn thu của huyện ít. Trong đó, chất lượng giáo dục toàn diện và tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp so với mặt bằng chung của TP còn thấp. Tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày các trường tiểu học, nhất là ở cấp THCS còn thấp so với mặt bằng chung TP. Nhu cầu trẻ ra lớp trên địa bàn, đặc biệt ở cấp mầm non tăng nhanh, trong khi cơ sở vật chất thiếu phòng học và nhiều phòng học cấp 4 xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu. Với những khó khăn trên, huyện Ba Vì kiến nghị TP có cơ chế đặc thù hỗ trợ kinh phí để xóa phòng học cấp 4 xuống cấp, xây mới phòng học còn thiếu đảm bảo đủ mỗi lớp 1 phòng (đối với mầm non và tiểu học); xây dựng các phòng học bộ môn, phòng chức năng theo hướng chuẩn hóa; cải tạo hệ thống chiếu sáng phòng học, các công trình vệ sinh nhằm đáp ứng nhu cầu tỷ lệ trẻ ra lớp ngày càng tăng.
Lãnh đạo quận Hà Đông cũng kiến nghị TP hỗ trợ trong công tác thực hiện thủ tục GPMB thu hồi đất và bố trí nguồn kinh phí xây dựng trường học để quận thực hiện có hiệu quả Đề án quy hoạch “Mạng lưới trường học bậc phổ thông và mầm non trên địa bàn quận Hà Đông, TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên một số phường hiện đang có nhu cầu bổ sung thêm trường học do còn thiếu hoặc quá tải về HS…