Theo đó, hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành thời gian tới cần hướng vào các lĩnh vực nóng được dư luận quan tâm, như đất đai, GPMB, chất lượng công trình xây dựng, sử dụng cán bộ công chức…
Chánh Văn phòng Thanh tra TP Hà Nội Bạch Trung Dũng cho biết, năm 2014, Thanh tra TP và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 270 cuộc thanh tra. Nội dung thanh tra tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và nợ đọng xây dựng cơ bản... Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý 160,3 tỷ đồng (tăng 37,5% so với năm 2013); kiến nghị thu hồi và xử lý 38.800m2² đất; kiểm điểm trách nhiệm 29 tập thể, 39 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đất đai dẫn đến sai phạm và chuyển cơ quan điều tra 6 vụ việc. Công tác thanh tra chuyên ngành đã tập trung vào những lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm, như đất đai, trật tự xây dựng, môi trường, y tế, giáo dục…
Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính 44,36 tỷ đồng. Năm 2014, các cơ quan hành chính của TP đã tiếp 30.446 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), tiếp nhận và xử lý 21.793 đơn, thư các loại. Thực hiện quy định về việc tiếp công dân định kỳ, lãnh đạo UBND TP đã tiếp 631 lượt/2.707 công dân; trong đó, trực tiếp Chủ tịch UBND TP đã tiếp công dân của 17 vụ việc. Qua tiếp công dân đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, ngành Thanh tra TP cần quyết liệt tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 201/KH-UBND TP Hà Nội ban hành ngày 1/12/2014 về công tác thanh tra năm 2015. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tiếp công dân, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Thanh tra, Luật KNTC, Luật Phòng chống tham nhũng và giải quyết dứt điểm các vụ KNTC đông người, phức tạp ngay tại cơ sở, tránh để khiếu kiện vượt cấp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP yêu cầu: Thời gian tới, công tác thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, như đất đai, GPMB, quản lý đầu tư xây dựng, tài chính - ngân sách, đầu tư mua sắm tài sản công nhằm phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời vi phạm, tránh lãng phí và giảm tham nhũng. Ngoài ra, hoạt động thanh, kiểm tra chuyên ngành cần hướng vào các lĩnh vực nóng được dư luận quan tâm như đầu tư xây dựng, bảo vệ môi trường, khám chữa bệnh, VSATTP, chất lượng công trình, ATGT, việc tuyển và sử dụng cán bộ, công chức… Bên cạnh đó, tập trung thanh tra trách nhiệm đối với giám đốc một số sở, ngành và chủ tịch UBND một số quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài chính - ngân sách và việc tiếp công dân, giải quyết KNTC, phòng chống tham nhũng. Thanh tra TP cần khẩn trương xây dựng phần mềm về tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giải quyết KNTC để nối mạng dùng chung từ TP đến cơ sở, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về KNTC của TP. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các kết luận thanh tra và văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hơn nữa.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho một tập thể và 2 cá nhân của Thanh tra TP.
Nhờ công tác thanh tra, nhiều khu đất đã được thu hồi.Ảnh: Nguyễn Thành
|