Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, diễn biến thời tiết vụ đông xuân 2012 - 2013 bất thường và phức tạp. Nhiệt độ trung bình toàn vụ ở Bắc Bộ cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là các tháng đầu vụ (tháng 11 và 12/2012) và 2 tháng cuối vụ (tháng 3 và 4/2013). Đợt rét đậm đầu tiên của vụ có khả năng xuất hiện muộn hơn so với mọi năm, vào khoảng cuối tháng 12 với nhiệt độ trung bình ngày ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ xuống dưới 15oC, kéo dài từ 3 ngày trở lên.
Gieo cấy vụ đông xuân tại xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội
Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, dòng chảy toàn mùa đông xuân tới ở hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình có khả năng nhỏ hơn trung bình nhiều năm khoảng 10 - 30%, ở thượng lưu nhỏ hơn 10 - 20%. Trong đó các tháng cuối mùa cạn (tháng 3 - 4/2013) thiếu hụt nước khoảng 10 - 15%. Ông Nguyễn Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong các tháng chính vụ đông xuân có khả năng xảy ra tình trạng hạn cục bộ và thiếu nước ở một số nơi. Theo dự kiến, vụ đông xuân tới, Hà Nội có nhu cầu tưới cho 102.000ha, trong đó nước tự chảy mới chỉ đáp ứng được 8.500ha.
Cùng với đó, giá giống, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao, nhất là giống lúa lai, ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay các giống lúa nhiễm rầy, đạo ôn vẫn đang được gieo trồng phổ biến trên đồng ruộng. Đặc biệt, với diễn biến thời tiết được dự báo, bệnh lùn sọc đen vẫn có nguy cơ xuất hiện trên lúa, ngô tại các tỉnh phía Bắc.
Ưu tiên xuân muộn
Căn cứ lịch gieo cấy và đỉnh con nước, Cục Trồng trọt đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xả nước đổ ải tập trung vào 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22 - 31/1/2013 (trước lập xuân) và đợt 2 từ ngày 7 - 13/2/2013 (sau lập xuân). |
Vụ đông xuân 2012 - 2013, toàn miền Bắc gieo cấy khoảng 1.145.000ha, giảm khoảng 13.000ha so với vụ đông xuân năm ngoái. Trước diễn biến của thời tiết, Cục Trồng trọt khuyến cáo hạn chế tối đa trà xuân sớm, xuân trung và mở rộng tối đa trà xuân muộn bằng những giống lúa ngắn ngày năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, mở rộng diện tích lúa lai để tăng sản lượng và hiệu quả kinh tế, phấn đấu diện tích lúa lai toàn vùng đạt khoảng 450.000ha (chiếm 40% diện tích lúa), tăng khoảng 60.000ha so với vụ đông xuân năm ngoái.
Ông Lê Quốc Doanh, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hiện nay, bộ giống lúa rất đa dạng nên các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để lựa chọn từ 4 - 5 giống chủ lực trong vụ đông xuân 2012 - 2013. Ngoài ra, các địa phương cũng cần có kế hoạch chuẩn bị dự phòng khoảng 10% giống bằng những giống lúa ngắn và cực ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi xảy ra. Ông Doanh cũng khuyến cáo các địa phương mở rộng diện tích lúa gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng hoặc cấy bằng máy. Đặc biệt dồn điền, đổi thửa, sản xuất theo hướng hàng hóa nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng lúa. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh để kịp thời phòng trừ hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, các địa phương phía Bắc cần tập trung nâng cao diện tích trà xuân muộn trong vụ đông xuân 2012 - 2013 lên 80 - 90% tổng diện tích gieo cấy. Ông Bổng cũng khuyến khích các địa phương có chính sách hỗ trợ máy cấy, cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn trong vụ đông xuân tới. Đồng thời, liên kết chặt chẽ nông dân với nông dân, nông dân với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu thông qua hợp đồng nhằm tạo ra thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.