Tìm mua đào cảnh... bỏ đi
Ngay sau những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi, đặc biệt vào thời điểm sau Rằm tháng Giêng, anh Nguyễn Văn Kha, ở thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo đã tất tả rong ruổi xe đi thu gom, mua lại những gốc đào có “thế” đẹp do người dân chơi Tết xong bỏ đi. Anh Kha cho biết, so với việc chiết cành hoặc nuôi gốc - thời gian sinh trưởng ra hoa phải mất từ 2 - 3 năm, thì việc mua cây đào về trồng lại sẽ tiết kiệm nhiều chi phí và thời gian chăm sóc hơn. Cũng giống như anh Kha, những ngày qua, chị Nguyễn Thị Ngọc ở làng đào Nhật Tân cũng rong ruổi khắp các ngõ ngách của TP để thu lượm, lùng mua lại những cây đào Tết. Chị Ngọc cho biết, đào cảnh sau Tết đôi khi được các gia đình cho không, nhưng cũng nhiều trường hợp phải bỏ tiền mua, trung bình từ 50.000 – 150.000 đồng/cây. Dù vậy, hiện nay, nhiều gia đình có thói quen giữ lại gốc đào còn đẹp, chăm sóc để năm sau chơi tiếp, nên đôi khi muốn mua được cũng khó. Chị Ngọc cho biết thêm, khi hỏi mua cần xem xét, quan sát kỹ để nhận biết gốc đào nào còn tốt có thể trồng lại được, bởi một gốc đào thông thường chỉ để trơ gốc sau khoảng 2 ngày sẽ bị khô hỏng, rất khó phục hồi.
Trong dịp Tết Ất Mùi vừa qua, dù đào nở sớm, nhưng những người trồng đào như anh Kha, chị Ngọc và nhiều hộ gia đình khác vẫn thu được lợi nhuận khá cao. Mặt khác, việc trồng đào đã là một nghề nuôi sống gia đình nên vẫn được người dân Nhật Tân, Vân Tảo kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập tốt trong năm nay. Dù vậy, việc chăm sóc đào sau Tết không phải chuyện dễ. Ông Nguyễn Xuân Hưng – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Vân Tảo cho biết, trên địa bàn xã có 6 thôn thì hiện có tới 4 thôn trồng đào, với tổng diện tích khoảng 200 mẫu, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 150.000 cây. Mặc dù là vùng mới trồng đào, tuy nhiên, do người dân đã quen với công việc đồng áng, nông nghiệp nên cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cây đào sau Tết. Những gốc đào gom về sẽ được cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, đồng thời bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho đất nuôi cây. Các hộ trồng đào cho biết, sau Tết, cây đào cần được trồng càng sớm càng tốt, vì nếu để kéo dài hết tháng Giêng, khả năng phục hồi của cây đào sẽ rất thấp. Một lý do quan trọng nữa là nếu để lâu, trồng muộn, đào có thể sẽ không ra hoa đúng thời vụ…
Chuẩn bị vụ đào mới
Theo kinh nghiệm của người trồng đào, trước khi trồng cây xuống, đất phải được làm rất kỹ càng, cẩn thận và phải được bón lót bằng phân chuồng ủ ải hoặc phân hữu cơ vi sinh. Sau khi trồng, cây đào phải được tưới đủ nước để đảm bảo đủ chất dưỡng ẩm cho tới khi mọc lá non. Ngay trong tháng đầu tiên phải tiến hành cắt cành sâu để cây ra nhiều hoa, lá. Những tháng tiếp theo thì định kỳ cắt tỉa nhẹ. Sau mỗi lần cắt phải bón phân hữu cơ, đến tháng 9 – 10, cần bón thường xuyên hơn để kích thích cây nẩy nụ, ra nhiều hoa. Cũng theo ông Hưng, hầu hết các giống đào hiện nay đều được chiết, ghép từ gốc, do đó, tuổi thọ cho hoa đẹp chỉ kéo dài được khoảng từ 5 – 7 năm, sau đó thì phải chặt bỏ thay thế bằng cây mới.
Vụ đào Tết vừa qua, do ảnh hưởng thời tiết ấm nóng kéo dài khiến hoa đào nở sớm làm nhiều người trồng đào chỉ có thu nhập thấp. Tuy nhiên, những người trồng đào ở Nhật Tân, Ngọc Trục hay Vân Tảo vẫn rất kỳ vọng, những vườn đào được chăm sóc cẩn thận ngay từ đầu năm nay sẽ phát triển tốt, sinh trưởng đúng thời vụ, để Xuân Bính Thân 2016, người trồng đào sẽ có một mùa hoa đào thắng lợi.
Người dân làng Nhật Tân cắt, ghép gốc đào chuẩn bị cho mùa vụ mới. Ảnh: Công Hùng
|