Không có hoa để bán
Dù thời tiết lạnh sâu nhưng từ sáng sớm, vợ chồng chị Đỗ Thị Hoàn (xã Đại Thịnh) đã ra đồng thu hoạch hoa cúc. Theo chị Hoàn, vụ Tết Canh Tý vừa qua, hoa cúc được mùa và giá cả cũng khá tốt. Đến nay, giá hoa cúc vẫn được thu mua ở mức cao. “Hiện, mỗi bông cúc bán buôn được khoảng 3.000 đồng, hoa đẹp có thể bán cao hơn khoảng 1.000 đồng/bông” – chị Hoàn cho biết.
Theo tính toán, chi phí để sản xuất ra một bông hoa cúc vào khoảng 1.000 đồng. Với giá bán như hiện nay, bà con nông dân đang lãi lớn, trung bình mỗi sào hoa cúc có thể cho doanh thu trên 60 triệu đồng. Không chỉ vậy, nhu cầu hoa sau Tết Nguyên đán tăng mạnh phục vụ lễ hội nên dù giá cao nhưng việc tiêu thụ tương đối thuận lợi. Đối với những diện tích hoa cúc đẹp, thương lái về thu mua tận vườn.
Cũng giống như gia đình chị Hoàn, nhiều nông dân tại xã Đại Thịnh, Văn Khê, Mê Linh, Tam Đồng… cũng đang rất phấn khởi vì hoa cúc được mùa và giá bán cao. Một số nông dân thậm chí còn tỏ ra tiếc nuối vì hiện nay đang… không có hoa để bán.
Xuất khẩu có thể khó khăn
Theo chia sẻ của nhiều nông dân, dù các lễ hội Xuân trên cả nước đã bị dừng tổ chức theo chủ trương chung về phòng, chống dịch bệnh nCoV, tuy nhiên, việc tiêu thụ hoa cúc sau Tết Canh Tý nhìn chung vẫn tương đối ổn định. Điều này được lý giải một phần là do nguồn cung cho thị trường hoa không quá dồi dào.
Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng hoa huyện Mê Linh lo ngại về việc xuất khẩu hoa cúc sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là trong dịp Tết Thanh Minh (tháng 3 âm lịch) sắp tới. Hàng chục triệu bông cúc có thể phải tiêu thụ trong nước, thay vì xuất khẩu sang Trung Quốc. “Dịch nCoV sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc giảm mạnh. Do đó, việc xuất khẩu hoa cúc phục vụ Tết Thanh Minh có thể gặp khó khăn” – anh Lê Văn Vượng, một nông dân trồng hoa ở xã Đại Thịnh nhận định tình hình. Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình anh Vượng canh tác 4 sào hoa cúc phục vụ Tết Thanh Minh. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa có thương lái đến đặt mua hàng để xuất khẩu.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 140ha trồng hoa cúc, tập trung chủ yếu tại các xã: Mê Linh, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng… So với các loại hoa khác như hoa hồng, hoa ly…, hoa cúc có suất đầu tư thấp hơn nhưng cho năng suất và giá trị ổn định. Nếu cho thu hoạch tốt và giá bán không biến động quá lớn thì với mỗi héc-ta trồng hoa cúc, các hộ sản xuất có thể thu về khoảng 650 triệu đồng. Dù vậy, giá cả nhìn chung vẫn khá bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thương lái, thị trường.
“Địa phương đang nghiên cứu xây dựng chuỗi liên kết hoa, cây cảnh nhằm tạo đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm hoa Mê Linh. Bên cạnh đó, hàng năm, huyện cũng tập trung triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các nhà vườn tham gia các hội chợ để thúc đẩy việc tiêu thụ hoa, cây cảnh” – ông Đô cho hay.