Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tật khúc xạ gia tăng trong học đường

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng tật khúc xạ trong học đường liên tục được cảnh báo trong nhiều năm nay.

Vậy nhưng, theo thống kê của ngành y tế, tại các khu vực nội đô của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trên 40% học sinh phổ thông mắc các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất, chiếm tới 2/3 số ca mắc.
Kiến thức hạn chế

Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện (BV) Bạch Mai Lê Việt Sơn cho biết, tật khúc xạ học đường do nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề thiếu ánh sáng hay sai tư thế học tập thời gian dài, dinh dưỡng chưa đáp ứng, bổ sung đầy đủ các vitamin, thời gian học tập căng thẳng và liên tục, không cho mắt nghỉ ngơi, thư giãn, lạm dụng máy tính, chơi game, xem tivi quá nhiều... khiến cho tật khúc xạ ngày càng tăng. Trong khi đó, kiến thức của các bậc phụ huynh về tật khúc xạ lại hạn chế hay hiểu sai về bệnh. Như bà Võ Thị Quế (huyện Phú Xuyên) có con trai 10 tuổi mắc tật khúc xạ, dù có đơn kính bác sĩ (BS) cấp nhưng không cho con trai đeo kính vì quan niệm “không nên đeo kính, càng đeo nó sẽ càng tăng”. Thậm chí, bà Quế còn có ý định đưa con sang Bắc Ninh tìm thầy lang bấm huyệt... chữa cận thị.

Phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai.  Ảnh: Mai Thanh

Đặc biệt, nhiều trường hợp, người dân tự ý dẫn con đến các cửa hàng kính thuốc để đo, lắp mắt kính cho con khi họ nghi các em mắc tật khúc xạ. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng kính hiện nay dù đủ chứng chỉ hành nghề nhưng yếu kém về chuyên môn, tay nghề kỹ thuật viên mài lắp kính chưa chuẩn, không đạt yêu cầu, thậm chí học theo kiểu tự dạy nhau. Chưa nói đến công tác quản lý chất lượng và nguồn gốc kính, gọng kính đang bị thả nổi. Như trường hợp gia đình anh Trần Văn Bẩy (huyện Thanh Trì) có 2 con gái sinh đôi bị cận thị hơn 3 năm nay. Lần tái khám gần đây nhất, cháu thứ hai tăng độ cận thị bất ngờ từ 1,75 lên 4,0. Đến khi kiểm tra kính, gia đình mới “té ngửa” vì mắt kính của cháu thứ nhất bị lắp nhầm... sang cháu thứ hai và đã đeo được gần một năm nay.

Nghỉ 10 phút trong 1 giờ học

BS Lê Việt Sơn khuyến cáo, để hạn chế mắc các tật khúc xạ phải có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ 1 giờ phải nghỉ 10 - 15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt. Bên cạnh đó, nơi học tập đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10 - 15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT. Chữ viết trên bảng và trong tập vở phải rõ nét, không viết mực đỏ, mực xanh lá cây, không đọc sách in chữ quá nhỏ, in trên giấy vàng, giấy đen hoặc giấy quá trắng, quá bóng.

Ngoài ra, nên có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ từ 8 - 10 tiếng/ngày; dinh dưỡng nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt, hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh khi mua kính cho trẻ cần chọn những cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng.