Tàu xe Tết loay hoay tìm cách thu hút khách

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022 nhưng thị trường vé tàu, xe Tết vẫn rất trầm lắng, sức mua yếu ớt. Nhiều bến xe và DN vận tải thậm chí chưa dám lên kế hoạch phục vụ Tết vì chưa thể đo lường được nhu cầu thị trường.

Vé tàu vừa mở bán đã lo ế

Trong hai lĩnh vực vận tải hành khách mặt đất, đường sắt đã mở bán vé tàu Tết được một thời gian song thị trường đang khá èo uột. Trong khi đó, xe khách liên tỉnh hầu như vẫn án binh bất động do nhiều DN vận tải lo sợ bán vé ra sẽ không có người mua.

Vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, thị trường vé tàu Tết xảy ra tình trạng “xưa nay hiếm” khi hàng nghìn vé tàu bị tồn đọng do không có người mua. Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tết Nguyên đán Tân Sửu, ngành đường sắt tung ra khoảng 200.000 vé tàu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đi lại giảm nên có khoảng 70.000 vé tàu hỏa chưa bán được. Không những thế, nhiều hành khách sau khi đã mua cũng trả lại vé do lo sợ sự bùng phát của dịch bệnh sau Tết càng khiến cho ngành đường sắt điêu đứng.

Bước vào cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm dần, “bóng đen” dịch bệnh

Covid-19 vẫn hiện hữu, thậm chí còn phức tạp và nghiêm trọng hơn so với một năm về trước. Ngành đường sắt tiến hành mở bán vé tàu Tết cho người dân với mối lo thường trực về tình trạng ế ẩm vé tàu của năm ngoái sẽ lại hiện về. Dù ngành đường sắt đã áp dụng nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu song tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt vé tàu Tết là không đáng kể.
Hành khách mua vé tàu tại Ga Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc VNR cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ giảm mạnh. Xác định được điều đó, ngoài việc xây dựng kế hoạch chạy tàu Tết linh hoạt, VNR còn đẩy mạnh khai thác tàu hàng trong dịp Tết để bù đắp doanh thu như cắt bớt toa khách, nối thêm toa xe hành lý để chở hàng, giảm tàu khách để tăng tàu hàng. Mặc dù vậy, lãnh đạo VNR khẳng định, ưu tiên hàng đầu của ngành đường sắt vẫn chạy tàu khách trong dịp Tết để phục vụ người dân đi lại, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Từ ngày 15/11, VNR đã chính thức mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Đến nay, trải qua gần một tháng, sức mua vẫn rất yếu ớt. Hiện ngành đường sắt đang mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần đối với 4 đôi tàu Thống nhất SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Đà Nẵng - Sài Gòn SE21/22. Tuy nhiên đến nay lượng vé bán ra mới chỉ đạt 27% so với cùng kỳ, trong đó, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn bán được vé cho 3.044 lượt hành khách, doanh thu hơn 3,66 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội bán được vé cho 2.076 lượt hành khách, doanh thu hơn 2,46 tỷ đồng.

Để thu hút hành khách đi tàu Tết, ngành đường sắt áp dụng nhiều chính sách giảm giá vé và cung cấp dịch vụ mới hấp dẫn như tính đến ngày 3/12, tức là sau gần 20 ngày mở bán, đã bán được gần 1.000 vé.

Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhận định, đặc điểm tàu Tết là giai đoạn trước đó, hành khách chủ yếu đông từ phía Nam ra. Còn khách về quê khu vực phía Bắc thường sát Tết mới mua vé. Để kích cầu, DN đã áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Trong đó hình thức bán vé mới nguyên khoang, nguyên toa (khoang 4 giường và khoang 6 giường) đối với hành khách đi tàu theo nhóm, theo gia đình, có cự ly từ 300km trở lên đang được sự quan tâm của hành khách vì với không gian riêng, hạn chế tiếp xúc. Đến nay, riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã bán được 222 vé nguyên khoang tàu SE5 và 298 vé tàu SE6.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại hầu khắp các tỉnh, TP trên cả nước nên nhìn chung vé tàu Tết Nhâm dần 2022 từ các tỉnh phía Nam ra đang bán khá chậm. Đơn cử như tàu SE2 chạy ngày 26 tháng Chạp là ngày cao điểm, hệ số sử dụng chỗ mới đạt 17%, trong khi chỉ số này phải từ 70% trở lên mới được coi là đầy chỗ, đạt hiệu quả doanh thu. Cũng như chính sách chung của VNR, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải đẩy mạnh khai thác vận chuyển hàng hóa, hành lý theo tàu khách để bù đắp doanh thu từ bán vé khách. Như tàu Thống nhất SE5/6, doanh thu bình quân một vòng quay khoảng 576 triệu đồng thì doanh thu cước hàng hóa được khoảng 100 triệu đồng.

Tương tự, Tết Nguyên đán năm nay, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ mở bán vé trước 4 đôi tàu khách Thống nhất tuyến Sài Gòn - Hà Nội và một đôi tàu tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng. Tuy vậy, tình hình bán vé rất chậm, khách cá nhân và tập thể đều mua số lượng không đáng kể. Lãnh đạo DN này cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các tàu do công ty quản lý chạy các ngày cao điểm từ 25 - 27 tháng Chạp vé bán được tốt hơn, gần kín chỗ thì hầu hết các chuyến tàu còn lại đều đang bán vé chậm. Lãnh đạo DN cho biết, nếu tình hình bán vé thời gian tới không khả quan hơn, công ty sẽ tính thêm chính sách giảm giá mới.

Vé xe ngập ngừng chưa dám bán

Nếu như thị trường vé tàu Tết đang khá èo uột, ế ẩm thì thị trường vé xe khách phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022 còn tẻ nhạt hơn khi hầu hết các DN vận tải xe khách liên tỉnh vẫn chưa có kế hoạch bán vé Tết. Cùng với đó, nhiều bến xe cũng đang “án binh bất động” chờ nghe ngóng thêm.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết, dù hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô đã được nối trở lại từ tháng 10/2021 nhưng trải qua gần 2 tháng nay, lượng xe và lượng khách tại bến xe Gia Lâm đã giảm sút rất nhiều và chưa có dấu hiệu hồi phục. Điều này đang tác động không nhỏ đến kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán của bến cũng như của các DN vận tải.
“Hiện nay, bến xe và ngay cả các DN vận tải vẫn chưa thể xác định được nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết năm nay sẽ như thế nào. Không chỉ tại bến xe Gia Lâm mà nhiều bến xe khác, lượng xe hoạt động tại bến hiện chỉ đạt bằng 1/4 - 1/5 so với trước đây” - ông Tuấn cho biết.

Theo lãnh đạo bến xe Gia Lâm, trước đây trung bình mỗi ngày có khoảng từ 600 xe hoạt động tại bến nhưng giờ con số đó giảm xuống chỉ còn khoảng 100 xe/ngày. “Từ lúc xe khách được hoạt động trở lại đến nay đã gần 2 tháng rồi mà lượng xe hoạt động tại bến vẫn chỉ có thế, không thể tăng lên được. Thậm chí những xe hoạt động thì lượng khách trên mỗi xe cũng rất vắng. Có xe xuất bến chỉ có 1 - 2 khách, thậm chí có xe còn chẳng có khách nào” - ông Tuấn nói và nhận định, với lượng khách thưa vắng như hiện nay rất khó để dự đoán được sự biến động của lượng khách trong cao điểm Tết sắp tới.
“Như mọi năm, bến xe Gia Lâm sẽ xây dựng kế hoạch phục vụ Tết cả Âm lịch và Dương lịch nhưng năm nay do thay đổi lớn về lượng hành khách đi lại nên chúng tôi phải chờ đến sát Tết, cách khoảng 15 - 20 ngày mới lập kế hoạch để cho sát với tình hình thực tế. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với các DN vận tải để nắm bắt xem lượng khách có gia tăng lên không” - ông Tuấn cho hay.

Tương tự như ở Hà Nội, phần lớn các bến xe ở TP Hồ Chí Minh cũng đang trong tình trạng “án binh bất động”. Hai bến xe lớn nhất địa phương này là Miền Đông và Miền Tây chưa có kế hoạch cụ thể về bán vé Tết Nhâm Dần. Thống kê tại hai bến xe này cho thấy, lượng xe và hành khách hoạt động tại bến hiện còn khá thưa vắng. Đơn cử như bến xe Miền Tây, hiện vẫn còn 9 tỉnh chưa thống nhất hoạt động trở lại còn 17 tỉnh khách dù đã được kết nối hoạt động trở lại với bến nhưng lượng hành khách là khá hạn chế.

Trong khi đó, tại bến xe Miền Đông, do tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp nên xe khách tại bến hiện nay vẫn hoạt động theo quy định đi đến các vùng cấp độ dịch. Đại diện bến xe Miền Đông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 15 tỉnh, thành thông tuyến với bến xe Miền Đông nhưng hầu như không có khách. Do đó, bến xe sẽ theo dõi, căn cứ vào tình hình dịch bệnh để có kế hoạch cụ thể về việc mở bán vé Tết trong thời gian sắp tới.
"Có thể doanh thu tàu khách dịp Tết không lãi, thậm chí lỗ nhưng ngành Đường sắt vẫn sẽ chạy vì dù không chạy DN vận tải vẫn phải chi các khoản chi phí cố định để duy trì bộ máy, trả lương người lao động, trả khấu hao, trả bảo dưỡng, duy tu phương tiện. Không chạy thì lỗ nhiều, chạy thì lỗ ít hơn, nên chúng tôi sẽ cố gắng duy trì chạy tàu càng nhiều càng tốt." - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh

"Chúng tôi đang lên kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch 2022. Với tình hình hiện nay, dự kiến dịp Tết Dương lịch lượng khách và lượng xe hoạt động tại bến cũng sẽ tăng không đáng kể so với mọi năm. Cùng lắm thì sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện nay. Từ tình hình thực tế trong đợt cao điểm Tết Dương lịch, chúng tôi sẽ có sự đánh giá để xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán sao cho phù hợp nhất." - Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm Nguyễn Mạnh Tuấn