Không chỉ làm tê liệt các hoạt động kinh tế, những cuộc biểu tình này là dự cảm không lành về một giai đoạn bất ổn mới trên chính trường thế giới.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối tháng 6, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã thực hiện nhiều bước đi nhằm củng cố sức mạnh chính trị của mình. Tuy nhiên, con đường mà ông Morsi đã đi không hề bằng phẳng khi nỗ lực "hạ bệ" Tổng công tố đầy quyền lực Abdel Meguid Mahmoud đã thất bại vài lần.
Người biểu tình chống Tổng thống Morsi tập trung tại quảng trường Tahrir. Ảnh: Reuters
Phải chờ đến ngày 22/11, sau khi hoàn thành xong sứ mệnh hòa giải thành công cuộc xung đột tại Dải Gaza, Tổng thống Morsi mới có cơ hội để cách chức ông Meguid Mahmoud, mở đường cho quá trình cải cách hệ thống tư pháp Ai Cập.
Nhưng điều mà nhiều người không thể ngờ được là những thế lực ngầm trong chế độ cũ vẫn còn rất mạnh và các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có diễn ra suốt hơn một tuần qua là lời cảnh báo rõ ràng nhất đối với ông Morsi.
Trên quảng trường Tahrir - biểu tượng của cuộc Cách mạng Hoa sen, chính những người từng tham gia biểu tình để lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, đưa ông Morsi lên nắm quyền, giờ đây lại quay sang phản đối ông Morsi.
Thực ra, cuộc đối đầu giữa Tổng thống Morsi và những nhà lập pháp về Hiến pháp mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Sâu xa hơn là cuộc đối đầu giữa tham vọng đưa các luật lệ hà khắc dựa trên Luật Hồi giáo (Sharia) vào Hiến pháp của tổ chức Anh em Hồi giáo và đa số người dân muốn xây dựng một nhà nước thế tục.
Trong hai ngày cuối tuần, phe ủng hộ Tổng thống cũng tổ chức các cuộc tuần hành quy mô lớn để thị uy sức mạnh. Sự khác biệt quá lớn giữa hai hệ tư tưởng Hồi giáo và phi Hồi giáo chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nên nguy cơ đẩy Ai Cập vào một giai đoạn bất ổn mới.
Nếu các lực lượng chính trị tại Ai Cập không biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, thì từ nay cho đến ngày 15/12 - thời điểm mà người dân nước này đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi trên, xứ sở Kim tự tháp có thể sẽ rơi vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Và khi đó, những đóm tàn từ ngọn lửa bất ổn tại Ai Cập sẽ nhấn chìm cả khu vực Bắc Phi, vốn vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát chiến tranh.Tại Bắc Mỹ, hơn 100 người đã bị thương trong các cuộc bạo loạn diễn ra ở Thủ đô Mexico trong và sau lễ nhậm chức của Tổng thống Enrique Pena Nieto, một diễn biến mà Thị trưởng thành phố này, ông Marcelo Ebrard nhấn mạnh là chưa bao giờ xảy ra.
Giữa lúc, tân Tổng thống gửi lời kêu gọi đầu tiên tới nhân dân cả nước, cuộc biểu tình biến thành bạo loạn này đã phát đi tín hiệu về một nhiệm kỳ đầy khó khăn và thách thức đối với ông Nieto. Trước đó, tại Argentina, các cuộc biểu tình dữ dội nhất kể từ khi nữ Tổng thống Cristina Fernandez lên nắm quyền cách đây 5 năm và nguy cơ vỡ nợ đang đẩy quốc gia Nam Mỹ này trên bờ vực của sự bất ổn.